TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN THÀNH THUỐC DƯỢC LIỆU ĐIỀU TRỊ XƠ PHỔI VÔ CĂN CỦA CAO CHIẾT TỪ CÂY XẤU HỔ (MIMOSA PUDICA L.): KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU TIỀN LÂM SÀNG MỚI CÔNG BỐ CỦA HÓM NGHIÊN CỨU DƯỢC LÝ – DƯỢC LIỆU (TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI) TRÊN TẠP CHÍ JOURNAL OF ETHNOPHARMACOLOGY

Xơ phổi vô căn (Idiopathic Pulmonary Fibrosis, IPF) là bệnh lý phổi kẽ mạn tính, một dạng xơ hóa phổi tiến triển không rõ nguyên nhân với thời gian sống thêm trung bình chỉ 3 năm sau chẩn đoán. Mặc dù là một bệnh hiếm, xu hướng gia tăng trong tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đặc biệt cao của bệnh lý này đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 hoạt chất là nintedanib và pirfenidone được phê duyệt cho điều trị xơ hóa phổi vô căn. Gần đây, sự xuất hiện của di chứng xơ phổi hậu COVID-19 với nhiều đặc điểm bệnh học tương tự xơ hóa phổi vô căn nhấn mạnh sự cần thiết và cấp thiết trong nghiên cứu và phát triển các thuốc chống xơ phổi mới.

Xấu hổ, tên khoa học Mimosa pudica L, thuộc họ Đậu (Fabaceae), là dược liệu mọc hoang nhiều nơi tại Việt Nam. Mặc dù công dụng liên quan đến điều trị các bệnh về phổi của Xấu hổ ít được đề cập trong y học cổ truyền, các nghiên cứu trước đây của nhóm nghiên cứu cho thấy dược liệu này có tác dụng gây giãn phế quản và chống viêm tại phổi. Các chất có mặt trong Xấu hổ như L-mimosine, luteolin, apigenin cũng đã được chứng minh có tác dụng chống xơ phổi thực nghiệm. Nghiên cứu hiện tại là công trình đầu tiên hướng tới khám phá vai trò tiềm năng của Xấu hổ trong điều trị xơ phổi.

Nghiên cứu này sử dụng mô hình gây xơ phổi do bleomycin trên chuột nhắt, kết hợp với dược lý phân tử chuyên sâu để đánh giá tác dụng chống xơ phổi và khám phá cơ chế tác dụng của Xấu hổ. Kết quả cho thấy cao chiết Xấu hổ với hàm lượng flavonoid toàn phần 2,97% ức chế mạnh các giai đoạn khác nhau trong cơ chế sinh lý bệnh của xơ phổi vô căn, bao gồm đáp ứng viêm tế bào biểu mô phế nang, quá trình chuyển dạng biểu mô-trung mô, quá trình tăng sinh và biệt hóa nguyên bào sợi phổi. Do đó, cao chiết Xấu hổ có thể đóng góp tới cải thiện vi môi trường viêm-xơ hóa tại phổi, giảm quần thể nguyên bào sợi phổi và ức chế sản xuất phức hợp nền ngoại bào gây xơ hóa. Về mặt cơ chế phân tử, các tác dụng này liên quan đến tác động của cao chiết Xấu hổ trên một số con đường tín hiệu chuyên biệt trong tế bào biểu mô phế nang và nguyên bào sợi phổi, đặc biệt là con đường MAPK/FOXO3. Các kết quả này là tiền đề để tiếp tục nghiên cứu và phát triển dược liệu Xấu hổ trong điều trị xơ hóa phổi vô căn.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology (chỉ số IF = 5,4; Q1: Pharmacology). Đây là kết quả của đề tài trọng điểm cấp Trường do TS Nguyễn Quỳnh Chi, Bộ môn Dược liệu (Khoa Dược liệu – Dược học cổ truyền) chủ trì, với sự phối hợp của nhóm nghiên cứu dược lý do PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh và TS. Phạm Đức Vịnh phụ trách.

Link tham khảo bài báo: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874124005257

 

 


14-05-2024

269 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL