Kiến thức, thái độ và thực hành nghề nghiệp liên quan đến dịch covid-19 của Dược sĩ cộng đồng - Một nghiên cứu khảo sát tại Việt Nam

Vào cuối năm 2019, một loại virus corona mới đã xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới và gây nhiều ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ của người dân cũng như nền kinh tế. Tính nay đã có hơn 200 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 4,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến nay đã ghi nhận hàng trăm ngàn ca nhiễm COVID-19 và hơn 2000 trường hợp tử vong.​ ​

​  Các cơ sở bán lẻ thuốc thường là địa điểm đầu tiên và đáng tin cậy mà người dân tìm đến khi họ có các vấn đề về sức khỏe. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy vai trò quan trọng của các dược sĩ cộng đồng trong công cuộc phòng chống nhiều loại dịch bệnh như cúm, SARS. Nhằm đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành của các dược sĩ cộng đồng ở Việt Nam, một nghiên cứu cắt ngang đã được thực hiện trên 1.023 dược sĩ cộng đồng tại 9 tỉnh/thành phố ở nước ta trong năm 2020.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các dược sĩ có kiến thức tốt về con đường lây truyền, các triệu chứng và cách phòng tránh lây nhiễm COVID-19; từ đó có thể tư vấn cho người dân một số thông tin cần thiết về COVID-19 khi được hỏi. Hầu hết các dược sĩ tìm kiếm và cập nhật thông tin về COVID-19 hàng ngày từ mạng xã hội (Facebook, Zalo), báo điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng (như các bản tin thời sự). Trong khoảng thời gian bùng phát dịch bệnh, các loại vitamin, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dung dịch sát khuẩn và nước rửa tay là các mặt hàng được người dân tìm mua nhiều tại các cơ sở bán lẻ thuốc. Điều này phần nào phản ánh người dân có kiến thức và ý thức trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng phần nào phản ánh hiệu quả của việc tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Bên cạnh đó, tại các cơ sở bán lẻ thuốc, có nhiều biện pháp để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho cả dược sĩ và người mua thuốc đã được áp dụng như lắp đặt các tấm nhựa trong suốt trên các quầy tư vấn để giảm thiểu tối đa sự phát tán các giọt bắn khi giao tiếp; đặt các chai/lọ dung dịch sát khuẩn ở cửa ra/vào và yêu cầu người dân sử dụng trước khi vào; duy trì khoảng cách tối thiểu là một mét giữa các dược sĩ hoặc giữa dược sĩ và người mua thuốc. Ngoài ra, nhiều cơ sở bán lẻ thuốc đã áp dụng biện pháp tư vấn gián tiếp cho người bệnh qua điện thoại/tin nhắn và triển khai giao thuốc tận nhà cho người mua; qua đó góp phần không nhỏ trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta hiện nay.

cvid.png

Điểm đánh giá kiến thức liên quan đến Covid-19 của các dược sĩ được khảo sát tại một số tỉnh ở Việt Nam

Kết quả nghiên cứu vừa được PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hương và nhóm nghiên cứu (Bộ môn Quản lý Kinh tế dược) công bố trên tạp chí PLOS ONE ngày 29/07/2021:


05-08-2021

66 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL