Hội nghị khoa học Dược châu Á AFPS năm 2023

Sáng ngày 8 tháng 11 năm 2023, Trường Đại học Dược Hà Nội đã phối hợp với Liên đoàn Khoa học Dược Châu Á và Trường Đại học Y Dược Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Khoa học Dược Châu Á (AFPS) 2023 với chủ đề "Hợp tác để đột phá trong khoa học Dược" tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 8/11 đến ngày 10/11/2023. Đây là Hội nghị chuyên ngành Dược lần thứ 8 lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới, giải pháp mới để tạo ra các đột phá mới trong lĩnh vực khoa học dược. Hội nghị đã thu hút hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tham dự Hội nghị , về phía Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế có Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương; Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo - Nguyễn Ngô Quang. Về phía Nhà trường có GS.TS Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng; PGS.TS. Đinh Thị Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; ThS. Phạm Văn Quyến - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; cùng các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị.

Hội nghị khoa học Dược châu Á AFPS 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Tham gia hội nghị có 500 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới tham gia trực tiếp; gần 100 nhà khoa học tham dự trực tuyến. Trong đó có khoảng 40% với gần 200 đại biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ và khoảng 350 báo cáo viên.

Tại Lễ khai mạc, bà Yahdiana Harahap, Chủ tịch Liên đoàn Khoa học dược châu Á cho biết, Hội nghị này sẽ phổ biến và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về dược, những tinh hoa của công nghệ mới nhất trong ngành dược.

            

                   Các đại biểu dự Hội nghị khoa học Dược châu Á AFPS 2023

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ghi nhận những nỗ lực của Ban tổ chức hội nghị cùng sự tham dự và chia sẻ của tất cả các nhà khoa học và đề nghị các bên hợp tác để hướng đến một hệ thống y tế bền vững và hội nhập. Thứ trưởng cũng mong các bên từng bước góp phần: Hoàn thiện về thể chế, pháp luật; Đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển thuốc và nguyên liệu thuốc; Thúc đẩy hợp tác quốc tế; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược…

                                                                                                                             

                                                               PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị Khoa học Dược Châu Á 2023

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội nhấn mạnh: "Việc nghiên cứu phát triển ra một thuốc mới chưa bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau. Từ các nhà bệnh học phân tử để tìm kiếm các mục tiêu gây bệnh, đến các nhà hóa học, các nhà hóa dược để sàng lọc, chiết tách, phân lập hoặc thiết kế các chất dẫn đường có hoạt tính sinh học mong muốn và tối ưu hóa cấu trúc để đưa ra các ứng viên thử lâm sàng, đến các nhà dược lý để nghiên cứu độc tính, hiệu quả tiền lâm sàng, rồi các nhà lâm sàng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của thuốc. Và trong quá trình này còn cần sự tham gia của các chuyên gia thuộc lĩnh vực tin sinh dược học, các nhà bào chế để bào chế dạng thuốc hoàn chỉnh, các nhà kiểm nghiệm để xây dựng tiêu chuẩn dược dụng cũng như đảm bảo chất lượng của thuốc lưu hành. Sau khi thuốc được đưa vào sử dụng chúng ta lại cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi để đảm bảo thuốc được sử dụng an toàn hợp lý, đảm bảo hiệu quả chi phí - điều trị cho người bệnh và xây dựng các chính sách liên quan hợp lý nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích tất cả các bên".

                                                                                       

                                                                                                 GS.TS. Nguyễn Hải Nam- Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội phát biểu

Theo Báo cáo nghiên cứu ngành dược Việt Nam, tính đến năm 2022, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đã đạt gần 7 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép là 10,6%. Tiền thuốc bình quân đầu người đã đạt 75 USD. Hiện nay, tại Việt Nam có 228 doanh nghiệp sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, trong đó đã có 17 cơ sở được chứng nhận EU-GMP, tương đương EU-GMP và PIC/S-GMP. Ngành công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn hiện nay mới ở gần cấp độ 3: 90% nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất thuốc và xuất khẩu được một số dược phẩm. Thị trường dược phẩm nói chung tương đối bình ổn, nhóm hàng thuốc chữa bệnh cho người luôn thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng chung. Giá thuốc tại Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực.

Hội nghị Khoa học Dược Châu Á 2023 được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo trong triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và những người làm việc trong lĩnh vực dược học và y tế sẽ có cơ hội chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới, những kinh nghiệm mới, những kỹ thuật, giải pháp mới và tăng cường các mối quan hệ hợp tác nhằm tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực khoa học dược. Đây cũng là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với ngành dược nói chung và Trường Đại học Dược nói riêng. Đòi hỏi trong thời gian tới Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Đại học Dược Hà Nội sẽ có những chiến lược phát triển Nhà trường ngày càng vững mạnh hơn, theo kịp xu thế phát triển của thời đại.


08-11-2023

327 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL