Báo cáo khoa học: Tài nguyên và đa dạng sinh học sinh vật biển Việt Nam

 Sáng ngày 13/5/2019, TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trình bày báo cáo khoa học với chủ đề “Tài nguyên và đa dạng sinh học sinh vật biển Việt Nam”.

Viện Nghiên cứu Hải sản là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn và dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản cũng như khai thác, chế biến hải sản trong phạm vi cả nước.
Nhiệm vụ nghiên cứu của Viện gồm các nội dung: công nghệ viễn thám, hải dương học, sinh thái học, nghiên cứu nguồn lợi hải sản, quy luật biến động nguồn lợi hải sản, công nghệ sinh học biển (cấu trúc gen, di truyền, chọn giống hải sản, lưu giữ và phát triển nguồn gen các loài hải sản quý hiếm), công nghệ nuôi trồng hải sản, công nghệ khai thác hải sản, cải tiến công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến thủy sản, điều tra, đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác bền vững nguồn lợi hải sản,…
Trong bài trình bày, TS. Nguyễn Văn Nguyên đã giới thiệu một số nhóm sinh vật biển có hoạt tính sinh học tiềm năng trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển thuốc cũng như tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc như: kháng viêm (hải miên, san hô mềm, da gai, …), chống oxy hóa (rong biển, tảo biển,…), độc chất (cá nóc, rắn biển, xoang tràng, …), đồng thời TS. Nguyên cũng giới thiệu một số kết quả nghiên cứu đã được triển khai ứng dụng trong thực tiễn tại Viện Nghiên cứu Hải sản như: quy trình nuôi cấy tảo Nanochloroposis oculata, quy trình nuôi cấy rong sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô, quy trình công nghệ chế biến nước hàu và một số sản phẩm từ hàu …
Với thế mạnh là khả năng tiếp cận được hệ sinh thái thủy sinh và cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên sinh vật biển, Viện Nghiên cứu Hải sản mong muốn chia sẻ, hợp tác với giảng viên, nghiên cứu viên của trường trong nghiên cứu và khai thác các nguồn lợi sinh học sinh vật biển Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển thuốc cũng như tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc.


20-05-2019

56 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL