Báo cáo khoa học: Mô hình sàng lọc dược liệu chống viêm in vitro và ứng dụng kỹ thuật Q-PCR đánh giá ảnh hưởng trên mức độ biểu hiện một số gene đích trong cơ chế bệnh sinh của quá trình viêm

Sáng 01/4/2019, buổi sinh hoạt khoa học định kỳ tháng 4 của Trường Đại học Dược Hà Nội được tổ chức với chủ đề “Mô hình sàng lọc dược liệu chống viêm in vitro và ứng dụng kỹ thuật Q-PCR đánh giá ảnh hưởng trên mức độ biểu hiện một số gene đích trong cơ chế bệnh sinh của quá trình viêm” do Ths. Nguyễn Thu Hằng, giảng viên bộ môn Dược lực, hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Namur (Vương quốc Bỉ) trình bày.

Báo cáo trình bày kết quả triển khai 2 mô hình in vitro trong nghiên cứu sàng lọc dược liệu chống viêm: (i) mô hình ổn định màng hồng cầu (RBC membrane stabilization assay) và (ii) mô hình định lượng NO giải phóng từ đại thực bào RAW 264.7. Hai mô hình này đều có thể triển khai được tại Bộ môn Dược lực của Trường. Sau khi lựa chọn được đối tượng nghiên cứu có hoạt tính chống viêm qua nghiên cứu sàng lọc từ 20 cây thuốc của Việt Nam, Ths. Hằng đã đến Khoa Sinh, Đại học Namur, trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo (ARES), dưới sự hướng dẫn của GS. Patrick Kestemont để nghiên cứu khả năng ứng dụng kỹ thuật Q-PCR đánh giá ảnh hưởng của mẫu nghiên cứu trên mức độ biểu hiện các gene đích của quá trình viêm như: các gene trên con đường tổng hợp các eicosanoid (PLA2, COX-2), các gene liên quan đến quá trình tổng hợp các cytokines như IL-1, IL-6, IL-8, TNF-α, IL-10, NF-ƙB trên 2 mô hình gây viêm bằng cắt đuôi và bằng CuSO4. Các mô hình này được thực hiện trên cá ngựa vằn (Zebrafish).

 Kết quả Ths. Hằng đạt được trong thời gian nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Bỉ là đã tiếp cận được một số mô hình dược lý phân tử có thể vận dụng trong nghiên cứu và phát triển thuốc mới. Các mô hình này có thể áp dụng và triển khai ở Việt Nam, đặc biệt tại phòng thí nghiệm của Trường.
 


20-05-2019

230 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL