Hướng dẫn số: 20 - HD/ĐUK, ngày 19 tháng 4 năm 2010
Về việc Thảo luận và tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ I.
ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẢNG UỶ KHỐI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HÀ NỘI ************* Số: 20 - HD/ĐUK | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ************* Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2010 |
HƯỚNG DẪN
thảo luận và tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ I
Thực hiện Hướng dẫn số 04-HD/TU ngày 14/4/2010 của Thành ủy Hà Nội về thảo luận và tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối hướng dẫn một số nội dung về thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ I, như sau:
I. VỀ THẢO LUẬN CÁC DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XI CỦA ĐẢNG
1. Đối với đại hội chi bộ, đảng bộ bộ phận trực thuộc các đảng bộ cơ sở
1.1. Các dự thảo văn kiện thảo luận tại đại hội, bao gồm 4 tài liệu sau:
- Toàn văn dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011);
- Tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị và tóm tắt dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010-2020;
- Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng;
(Kèm theo các hướng dẫn nội dung cần tập trung thảo luận và cách tổng hợp ý kiến thảo luận vào từng dự thảo văn kiện).
- Dự thảo Báo cáo chính trị của đảng ủy trường.
1.2. Triển khai thảo luận, đóng góp ý kiến
- Đối với các chi bộ, đảng bộ bộ phận đã tổ chức đại hội, thì tiến hành bố trí thời gian họp bổ sung từ 0,5 - 01 ngày để thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện.
- Đối với các chi bộ, đảng bộ bộ phận chưa tổ chức đại hội, thì tiến hành đầy đủ các nội dung.
2. Đối với đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc (thảo luận các dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ I)
2.1. Các dự thảo Văn kiện của Trung ương thảo luận tại đại hội, gồm:
- Toàn văn dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011);
- Tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị và tóm tắt dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010-2020;
- Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng;
(Kèm theo các hướng dẫn nội dung cần tập trung thảo luận và cách tổng hợp ý kiến thảo luận vào từng dự thảo văn kiện).
2.2. Toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ I
Cấp ủy trường tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị đảng ủy trường thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo; sau đó tổng hợp ý kiến thảo luận của các hội nghị để báo cáo tại đại hội đảng bộ trường (nơi tổ chức đại hội toàn thể đảng viên thì có thể tổ chức thảo luận ở đại hội chi bộ, hội nghị đảng ủy và đại hội đảng bộ trường).
2.3. Triển khai thảo luận, đóng góp ý kiến
- Đối với các đảng bộ, chi bộ đã tổ chức đại hội, thì bố trí thời gian họp bổ sung từ 01-1,5 ngày để thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện.
- Đối với các đảng bộ, chi bộ chưa tổ chức đại hội, thì tiến hành đầy đủ các nội dung.
3. Về tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ I
3.1. Đối với các dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng
- Đại hội chi bộ, đảng bộ bộ phận tổng hợp ý kiến thảo luận các Văn kiện Đại hội XI của Đảng gửi lên đại hội đảng bộ trường. Cấp uỷ trường tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại hội chi bộ, đảng bộ bộ phận để báo cáo tại đại hội đảng bộ trường.
- Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý vào các Văn kiện Đại hội XI của Đảng tại đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc gửi về Đảng ủy Khối, sau 10 ngày tổ chức đại hội (qua Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối tổng hợp để báo cáo Đại hội Đảng bộ Khối).
3.2. Đối với dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội lần thứ I
Các cấp ủy trực thuộc có trách nhiệm gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ I của đại hội cấp mình về Đảng ủy Khối, sau 10 ngày tổ chức đại hội (qua Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối tổng hợp để báo cáo Đại hội Đảng bộ Khối).
Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối có trách nhiệm, xây dựng các báo cáo tổng hợp lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ I và các Văn kiện Đại hội XI của Đảng để báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xem xét, trình xin ý kiến Đại hội.
II. PHƯƠNG PHÁP TỔNG HỢP
1. Bố cục bản tổng hợp
Bản tổng hợp gồm 3 phần:
1.1. Phần nhận xét chung:nêu khái quát về số lượng ý kiến phát biểu, không khí thảo luận (có sôi nổi, tranh luận…); xu hướng chung (nhất trí, không nhất trí…); nhận xét về quá trình chuẩn bị văn kiện và chất lượng văn kiện (tính công phu, nghiêm túc, nội dung, bố cục)…
1.2. Phần tổng hợp ý kiến góp ý về nội dung:
- Tổng hợp từng vấn đề theo trình tự bố cục của các dự thảo: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển); Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ I.
- Trường hợp Trung ương có hướng dẫn tập trung thảo luận một số vấn đề chung, thì tổng hợp theo nhóm vấn đề như trong hướng dẫn, sau đó vẫn phải tổng hợp theo từng văn kiện.
1.3. Phần đề xuất, kiến nghị:
Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những vấn đề có liên quan đến nội dung các dự thảo văn kiện, quá trình chuẩn bị đại hội và cách lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện…
2. Xác định số lượng và mức độ ý kiến
2.1. Số lượng ý kiến:
- Để việc tổng hợp được chính xác, đánh giá được xu hướng của các loại ý kiến, khi tiến hành tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội các cấp cần phản ánh được số lượng ý kiến phát biểu so với số đại biểu tham dự.
- Đối với đại hội hoặc hội nghị chi bộ: nêu cụ thể số đảng viên tham dự, số lượng ý kiến phát biểu.
- Đối với đại hội đảng bộ cấp trên, ngoài tổng hợp số lượng ý kiến phát biểu còn phải tổng hợp số lượng ý kiến được tập hợp từ báo cáo của cấp uỷ cấp dưới.
- Đối với ý kiến của các tầng lớp nhân dân phải lượng hoá được số người tham gia ý kiến qua các hội nghị lấy ý kiến của các đoàn thể; số đơn, thư của nhân dân tham gia ý kiến gửi đến cấp uỷ.
2.2. Mức độ ý kiến:
- Khi tổng hợp ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau, cần cố gắng lượng hoá, thống kê để đánh giá đúng thực chất các loại ý kiến và mức độ của các ý kiến khác nhau.
- Đối với chi bộ và đảng bộ cơ sở, cần tổng hợp rõ số lượng các loại ý kiến (đồng ý, không đồng ý…), đánh giá theo các mức độ sau:
- “Hầu hết ý kiến”: sử dụng khi có khảng 3/4 trở lên số ý kiến có cùng chính kiến.
- “Đa số ý kiến”: sử dụng khi có khoảng trên 1/2 đến dưới 3/4 số ý kiến có cùng chính kiến.
- “Nhiều ý kiến” : sử dụng khi có khảng trên 1/4 đến dưới 1/2 số ý kiến có cùng chính kiến.
- “Một số ý kiến”: sử dụng khi có dưới 1/4 số ý kiến có cùng chính kiến.
- “Có ý kiến”: sử dụng trong trường hợp có một vài ý kiến có sự khác biệt hoặc đáng lưu ý về một vấn đề nào đó.
Những ý kiến góp ý bằng văn bản được tổng hợp như ý kiến phát biểu trực tiếp.
Trường hợp những vấn đề lấy phiếu biểu quyết thì phải nêu rõ kết quả biểu quyết.
3. Những vấn đề phải phản ánh nguyên văn
Những ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi, thay đổi cấu trúc, tiêu đề hoặc một đoạn, một câu, một từ hoặc một cụm từ cần được phản ánh đầy đủ, ghi nguyên văn, đồng thời phải nêu rõ ở đoạn nào, trang nào trong dự thảo văn kiện nào. Đối với những ý kiến có lập luận sâu sắc khác với văn kiện, cần được ghi lại đầy đủ, chính xác.
4. Một số gợi ý về các bước tiến hành tổng hợp
4.1. Đọc nhanh phần nội dung tổng hợp của cấp uỷ trực thuộc, để:
- Cập nhật nhanh số lượng ý kiến và đánh giá về mức độ ý kiến góp ý.
- Hình dung khái quát phạm vi và nội dung góp ý.
- Nhận xét chung về quá trình chuẩn bị và chất lượng dự thảo văn kiện, về không khí thảo luận, về xu hướng chung trong thảo luận.
4.2. Phân loại nội dung ý kiến góp ý để tổng hợp:
- Đọc kỹ những bản ý kiến góp ý của đảng bộ, chi bộ cơ sở, để phân loại ý kiến theo tiêu chí cần tổng hợp.
- Dùng các ký hiệu cần thiết để sắp xếp các loại ý kiến theo nhóm nội dung hoặc vấn đề đã hướng dẫn thảo luận.
- Hệ thống lại những nội dung cần tổng hợp (theo ký hiệu đã phân loại).
- Chọn lọc, tổng hợp, biên tập lại sơ bộ những ý kiến góp ý theo bố cục nội dung và yêu cầu hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên.
4.3. Hoàn chỉnh dự thảo (lần 1) bản tổng hợp:
Sau khi hoàn thành những công việc ở mục 4.2, thì việc xây dựng bản tổng hợp (dự thảo lần 1) đã hình thành. Công việc tiếp theo được tiến hành như sau:
- Đọc kỹ bản thảo (lần 1) để cắt bỏ những đoạn hoặc nội dung trùng lặp.
- Sửa chữa, bổ sung, biên tập lại những nội dung chưa rõ nghĩa, những chi tiết chưa chính xác hoặc còn thiếu.
- Cần đọc kỹ bản dự thảo để điều chỉnh, sắp xếp lại bố cục và nội dung góp ý cho sát với yêu cầu hướng dẫn tổng hợp ý kiến của Trung ương và Đảng ủy Khối.
- Hoàn chỉnh bản dự thảo (lần 1) bảo đảm các yêu cầu sau: Bố cục sáng rõ, nội dung súc tích, nhưng vẫn giữ được cơ bản tinh thần ý kiến tham gia góp ý; không “sao chép nguyên si, nhưng khi biên tập phải bảo đảm được tính chân thực, khách quan của các ý kiến góp ý”.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cấp ủy trường báo cáo về Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội (qua Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối) để xem xét và kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận - TT TUHN; (để b/cáo) - BTC, TG, VP TUHN; - TT ĐUK; - Các đ/c UV BCH ĐBK; - Các tổ chức đảng trực thuộc; - Các ban ĐUK; - Lưu. | T/M BAN THƯỜNG VỤ PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC (Đã ký) Nguyễn Thị Hường |
08-08-2012