Giới thiệu Bộ môn Dược lý

Bộ môn Dược lý trường Đại học Dược Hà Nội được thành lập theo quyết định số 64/QĐ/DK ngày 27 /1 /1966, là một trong số ít các bộ môn được thành lập ngay từ khi mới thành lập Trường Đại học Dược Hà Nội. Nối tiếp các thế hệ đi trước, cán bộ của bộ môn luôn giữ vững và phát huy truyền thống của bộ môn trong giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học. Bộ môn có đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao, được đào tạo từ các trường uy tín trong nước và nước ngoài với 3 PGS, 3 tiến sĩ, 1 thạc sĩ (đang là NCS) và 3 kỹ thuật viên đều có trình độ đại học, có tay nghề cao đáp ứng tốt các yêu cầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bộ môn tham gia giảng dạy cho nhiều đối tượng đại học, sau đại học và đào tạo liên tục. Bộ môn cũng thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực Dược lý- Dược lâm sàng và có nhiều công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và Quốc tế. Với những cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và  nghiên cứu khoa học, Bộ môn đã nhận được nhiều Danh hiệu và Bằng khen các cấp: Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

  - Về giảng dạy: Xây dựng chương trình chi tiết, viết tài liệu học tập và tổ chức thực hiện giảng dạy có chất lượng các môn học cho hệ đại học: Dược động học, Dược lý 1, Dược lý 2, Dược lý 3 (Dược lý  lâm sàng); các môn sau đại học: Dược lý phân tử, Một số mô hình dược lý thực nghiệm đánh giá tác dụng của thuốc, Nguyên tắc dược động học và dược lực học trong sử dụng kháng sinh, Phản ứng có hại của thuốc, Thiết kế và phân tích số liệu trong nghiên cứu dược lý và một số chuyên đề tự chọn khác.

- Về nghiên cứu khoa học: đề xuất, đăng ký, đấu thầu, chủ trì hoặc tham gia triển khai đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Hợp tác với các cơ sở trong và ngoài trường để phát triển nghiên cứu khoa học & triển khai công nghệ. Đặc biệt gần đây theo yêu cầu của bộ y tế, bộ môn đã tham gia hợp tác nghiên cứu với nhiều công ty trong việc đánh giá tác dụng và độ an toàn của thuốc. Để thực hiện nhiệm vụ này, toàn thể cán bộ trong bộ môn luôn tích cực tìm tòi các mô hình phù hợp để áp dụng vào nghiên cứu các sản phẩm đảm bảo được các sản phẩm đưa ra thị trường phải có tác dụng và an toàn, đồng thời khẳng định được giá trị của các sản phẩm đã và đang lưu hành tại Việt nam nâng cao giá trị cho doanh nghiệp.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

Cán bộ của bộ môn đã chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học và công nghệ các cấp. Nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn được đang tải trên trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Các đề tài đã và đang thực hiện: chủ trì 15 đề tài, trong đó: 1 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp bộ, 12 đề tài cấp Trường. Tham gia 3 đề tài cấp nhà nước, 6 đề tài cấp bộ, sở và nhiều đề tài cấp cơ sở.

- Các công trình nghiên cứu đã công bố: Tổng số đã có 80 công trình đã công bố. Trong đó, có 2 bài  đăng trên tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế và 78 bài đăng trên tạp chí và hội nghị khoa học trong nước.

- Đã và đang hướng dẫn 4 Luận án tiến sĩ, 2 chuyên khoa 2, 30 luận văn thạc sĩ;  20 chuyên khoa 1 và 50  Khóa luận tốt nghiệp.

CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

Bằng khen của Bộ Y tế số 3381/QĐ-BYT ngày 16 tháng 9 năm 2011 “đã có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm học 2010-2011

Bằng khen của Ban chấp hành trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh số 275 - QĐ/TWĐTN “đã có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên giai đoạn 2014-2016”

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ số 470-QĐ TTg ngày 2/4/2014 “đã có thành tích trong công tác từ năm 2011 đến 2013 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”

Ngoài ra một số cán bộ trong bộ môn cũng nhận được bằng khen của Bộ Y tế và Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí Minh do Đã có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm học và nghiên cứu khoa học công nghệ. 

ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU

- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu dược lý thực nghiệm, tăng cường thực hiện đề tài các cấp và  hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong, ngoài trường về lĩnh vực dược lý nhằm phát triển các sản phẩm khoa học có tiềm năng thành thuốc phục vụ công tác chữa bệnh

- Chú trọng phát triển dược lý tế bào-phân tử, đảm bảo thực hiện được các nghiên cứu cơ bản đồng thời tập trung vào các nghiên cứu theo các định hướng chuyên sâu.

- Các hướng nghiên cứu đang triển khai:

  1. Nghiên cứu tác dụng tăng cường chức năng sinh dục
  2. Nghiên cứu tác dụng chống viêm, điều trị gout
  3. Nghiên cứu tác dụng hạ glucose huyết
  4. Nghiên cứu tác dụng an thần giải lo âu, chống trầm cảm
  5. Nghiên cứu tác dụng chống oxy hoá, lợi mật, bảo vệ gan, chống xơ gan


06-12-2022

1062 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL