Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN-QA phiên bản 4.0

Chất lượng của chương trình đào tạo là sự đáp ứng mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ở trình độ cụ thể, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Khung trình độ quốc gia Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Với mục đích, thực hiện các quy định pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá thực trạng chất lượng của chương trình đào tạo làm cơ sở cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục liên tục; để đáp ứng chất lượng đào tạo theo tầm nhìn và sứ mệnh của nhà trường cũng như những lợi ích mà kiểm định AUN-QA mang lại, Trường Đại học Dược Hà Nội đă đăng ký Đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo Tiêu chuẩn AUN-QA. Đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn AUN nhằm giúp Nhà trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp chương trình đào tạo AUN-QA đã có 4 phiên bản, phiên bản mới nhất là phiên bản 4.0 bao gồm 8 tiêu chuẩn, 53 tiêu chí:

  1. Chuẩn đầu ra (Expected Learning Outcomes);
  2. Nội dung và cấu trúc chương trình (Programme Structure and Content);
  3. Phương pháp giảng dạy và học tập (Teaching and Learning Approach);
  4. Đánh giá sinh viên (Student Assessment);
  5. Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (Academic Staff);
  6. Dịch vụ hỗ trợ người học (Student Support Services);
  7. Cơ sở vật chất và hạ tầng (Facilities and Infrastructure);
  8. Kết quả đầu ra (Output and Outcomes).

Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là:

  • 1 = không có gì (không có tài liệu, kế hoạch, minh chứng );
  • 2 = chủ đề này của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mới chỉ nằm trong kế hoạch;
  • 3 = có tài liệu, nhưng không có minh chứng rõ ràng;
  • 4 = có tài liệu và minh chứng;
  • 5 = có minh chứng rõ ràng về hiệu quả trong lĩnh vực xem xét;
  • 6 = chất lượng tốt;
  • 7 = xuất sắc.

Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 53 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN.

Đánh giá theo AUN-QA được thực hiện với mục đích cải tiến chất lượng của hệ thống đảm bảo chất lượng với các nguyên tắc:

  • Dựa trên (các) Nguyên lý (Principles-based)
  • Không quy định cứng (Non-prescriptive)
  • Đề xuất các lĩnh vực cải thiện; không đưa ra giải pháp mệnh lệnh (Recommend areas for improvement; not mandate solutions)
  • Giúp thực hiện các thực hành đảm bảo chất lượng theo bối cảnh hơn là chuẩn hóa (Contextualize rather than standardize QA practices

Đối với phiên bản 4.0 các yêu cầu nâng cao chất lượng được chia vào các tiêu chuẩn. Yêu cầu nâng cao chất lượng là một cách nhận phản hồi để đo lường sự cải tiến, hoặc một chu trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra kết quả đầu ra so với các yêu cầu được xác định trước, sau đó thực hiện hoặc điều chỉnh các yêu cầu cho lần cải tiến tiếp theo. Do đó, khái niệm PDCA (Plan-Do-Check- Action) được xây dựng vào cả trong tám tiêu chuẩn. Điểm nhấn quan trọng của bộ tiêu chuẩn 4.0 này chính là việc cần thiết phải có được phản hồi từ các bên liên quan để bắt đầu một chu trình lập kế hoạch cải tiến tiếp theo và tiến hành các hoạt động bảo đảm chất lượng giáo dục; Nhìn chung, bộ tiêu chuẩn mới dễ tiếp cận hơn, tập trung nhiều vào việc hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp đạt được kết quả đầu ra của chương trình đào tạo.


22-12-2023

4565 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL