DS HUỲNH QUANG ĐẠI – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Năm 1939 ông thi đậu và bắt đầu học tập và thực hành nghề thuốc tại Trường Y Dược Đông Dương, sau khi tập sự 12 tháng tại Khoa dược Bệnh viện Huế ông tốt nghiệp dược sĩ hạng nhất vào tháng 6/1944.
Cuối năm 1944 ông trở về Quảng Nam lập nghiệp và mở hiệu thuốc tây lớn để kinh doanh ở Hội An. Năm 1945 ông trở ra Hà Nội lập hiệu thuốc Tocontap kinh doanh tại phố Bà Triệu. Ông là người kinh doanh thành đạt và giàu có, trong thời gian này xã hội loạn lạc nên ông có ý định đưa cả gia đình sang Pháp sinh sống nhưng do được giác ngộ cách mạng nên ông từ bỏ ý định và quyết tâm theo kháng chiến. Bị giặc khống chế yêu cầu ra phục vụ chúng nhưng ông không theo.
Năm 1946 Thực dân Pháp gây hấn ở Hà NộiDS Huỳnh Quang Đại đóng cửa hiệu thuốc tư, ông liên lạc với cách mạng và được hướng dẫn lên Tuyên Quang, sau đó sang Bắc Cạn, Thái Nguyêntham gia kháng chiến. Trong khoảng thời gian này ông đã tình nguyện xin vào công tác ở Cục Quân y (không hưởng lương). Tháng 10/1946 được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Bào chế Quân y viện Trung ương; Tháng 4/1947 được giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện bào chế khu I; Tháng 11/1948 làm Viện trưởng Viện tiếp tế Trung ươngvà tham gia giảng dạy tại trường quân dược thuộc Cục Quân y cùng với TS Trương Công Quyền, DS Vũ Công Thuyết, Đỗ Tất Lợi và Nguyễn Trọng Bính, lớp học có 30 sinh viên; Tháng 4/1949 ông được kết nạp vào Đảng; Tháng 9/1949 ông được cử làm Giám đốc Nha Quân dược; Tháng 01/1951 làm Trưởng phòng Dược chính. Trong thời gian này ông cùng với các đồng chí của ông là Vũ Văn Cẩn, Trương Công Quyền, Đỗ Tất Lợi, Đỗ Xuân Hợp, Vũ Công Thuyết… đã sản xuất, lo toan thuốc men và vật tư y tế phục vụ kháng chiến.Tháng 8/1951- 12/1954 ông được cử đi Liên Xô học về bào chế, sản xuất, kiểm nghiệm thuốc.
Đầu năm 1955 sau khi đi học ở Liên Xô về ông tiếp tục công tác tại Cục Quân y. Tại đây ông được giao hai nhiệm vụ đó là: tìm hiểu, chấn chỉnh tổ chức, cải tiến kỹ thuật Xưởng dược BF1, Kho thuốc A Việt Bắc, Phòng bào chế Quân y viện 108 và tổ chức một lớp bổ túc ngắn hạn (01 tháng) cho dược sĩ đại học quân y. Bằng kinh nghiệm và kiến thức được học ở Liên Xô ông cùng các đồng nghiệp đã đưa ra các biện pháp bảo quản thuốc men và dụng cụ tốt, kiểm soát chất lượng thuốc và bào chế một số thuốc tiêm; ông triển khai lớp bổ túc ngắn hạn và đạt kết quả tốt, các kinh nghiệm từ lớp bổ túc này đã được phổ biến cho những lớp dược sĩ trung cấp và dược tá sau này. Tháng 5/1955 ông được cử làm Trưởng phòng Dược chính Cục quân y đồng thời được tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược khoa, ông được công nhận chức danh là giảng viên của Trường.
Lúc đầu tham gia giảng dạy tạị trường ông được giao giảng dạy môn Dược lý cho đến cuối năm 1956 ông được nhà trường giao nhiệm vụ tổ chức và xây dựng Bộ môn Bào chế và ông là một trong những người đầu tiên bắt tay vào biên tập tài liệu, xây dựng phòng thí nghiệm và chương trình thực tập cho sinh viên tại Bộ môn Bào chế và được cử làm Chủ nhiệm bộ môn. Ông cùng các chuyên gia Liên Xô xây dựng chương trình cho Ban dược khoa của trường. Cũng trong thời gian này ông được cử làm Viện trưởng Viện Bào chế tiếp tế Cục Quân Y (kho C) và được chỉ định vào Ban đảng ủy của Viện; ông cùng các đồng nghiệp đã xây dựng lại tổ chức biên chế, xây dựng kế hoạch công tác chuyên môn để phân nhiệm giữa Phòng Dược chính và Viện Bào chế tiếp tế trong các mặt công tác.
Năm 1957 ông được giao nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Hội đồng cố vấn Bộ Y tế; Ủy viên Hội đồng khen thưởng tổng kết, Hội đồng chuyên môn của Cục Quân y; Ủy viên Hội đồng quản lý thuốc tây của liên Bộ Y tế - Thương nghiệp; Thư ký Ban lãnh đạo chấn chỉnh ngành Dược Trung ương.
Trong bản nhận xét cán bộ của Đảng ủy Cục Quân y tháng 6/1958 do ông Vũ Văn Cẩn ký đã có đánh giá về ông như sau:”Trước kháng chiến là một dược sĩ tư có cửa hiệu to ở Hà Nội. Nhưng khi kháng chiến bắt đầu đã bỏ tài sản đi theo kháng chiến. Trong những năm kháng chiến gian khổ; trong những ngày Đảng gặp khó khăn sau sai lầm của cải cách ruộng đất và thời gian có nhiều sự biến cố không có biểu hiện hoang mang giao động.Trong cuộc đấu tranh chống bọn dược sĩ đầu cơ đã tỏ ra một phần tử tích cực và cương quyết. Ở Liên Xô về không đòi hỏi về công tác, vui vẻ theo sự phân công của tổ chức. Gia đình đông con, túng thiếu nhưng không làm phiền tổ chức mà tự lo liệu”
27/12/1966 ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định số 113-CP Bổ nhiệm DS Huỳnh Quang Đại, Thượng tá công tác tại Cục quân y, Chủ nhiệm bộ môn Bào chế giữ chức Hiệu trưởng trường đại học Dược khoa Hà Nội, tháng 3/1967 ông chính thức đảm nhận cương vị Hiệu trưởng thay DS Vũ Công Thuyết được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế. Mặc dù trong cương vị quản lý nhưng ông luôn là người đi đầu trong giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học và viết giáo trình, bài giảng phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Nổi bật trong nghiên cứu khoa học của ông là 03 công trình đã được ứng dụng thực tế trong chiến trường đó là: “Cách đóng gói thuốc và dụng cụ cho chiến trường B, C”;“Cách giải quyết các thiết bị cất nước cho chiến trường B, C”; “Cách trang bị để pha chế thuốc, bảo đảm chất lượng ở chiến trường B, C”.
Ông đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng trong lúc nhà trường cùng cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nhà trường phải sơ tán lên Lục Ngạn, Hà Bắc, ông đã cùng tập thể đảng ủy, BGH lãnh đạo, động viên cán bộ, nhân viên, sinh viên nhà trường quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, vận chuyển máy móc, đồ dùng giảng dạy và học tập lên nơi sơ tán, xây dựng nhà ở, phòng học, kho tàng nhanh chóng ổn định mọi măt để tiếp
tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo của Trường. Trong thời kỳ sơ tán ông đã tổ chức cho anh chị em cán bộ, nhân viên, sinh viên khai phá lấy đất trồng lương thực, thực phẩm và chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện nâng cao đời sống. Mùa thu năm 1969 nhà trường chuyển về Hà Nội một bộ phận chuyển về 13 – 15 Lê Thánh Tông, sinh viên năm thứ 3 đến năm thứ năm về khu nội trú dốc Thọ lão, thanh Nhàn, các bộ môn giảng dạy cùng sinh viên năm thứ nhất, thứ hai chuyển về Ninh Sở. tháng 1/1972 ông đã chỉ đạo hoàn thành công tác di chuyền nhà trường về Hà nội đảm bảo an toàn. Nhà trường nhanh chóng ổn định và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học theo kế hoạch.
Tháng 3/1979 ông được nghỉ hưu theo chế độ. Ông là một người thẳng thắn, luôn gắn bó, tâm huyết với ngành Y tế, tuy nghỉ hưu nhưng ông vẫn say mê nghiên cứu, viết bài đăng trên các tạp trí nghiên cứu và vẫn tham gia truyền thụ những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho sinh viên.
Năm 1980 ông chuyển vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy tại Khoa Dược - Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chính Minh cho đến năm 1987.
Do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần ngày 18/4/1997 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 82 tuổi.Ông ra đi nhưng mọi tình cảm và gương sáng trong cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn được ghi đậm trong lòng các thế hệ tiếp nối.
DS Huỳnh Quang Đại là người được mọi người tin tưởng và mến phục. Trên mọi cương vị, ông luôn có sự hy sinh lớn lao và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng ngành Dược không ngừng phát triển.
Trong bản nhận xét của Bộ Y tế ngày 15/6/1977 do Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn ký đã có đánh giá về ông như sau: ”Trải qua hơn 30 năm liên tục công tác trong quân đội và tại Trường Đại học Dược khoa, DS Huỳnh Quang Đại đã tỏ là một cán bộ nghiên cứu khoa học có phẩm chất, đạo đức tốt, có kiến thức sâu, rộng về ngành Dược. Được đào tạo và bồi dưỡng có hệ thống, DS Huỳnh Quang Đại một trong những cán bộ có công lao trong việc xây dựng ngành Dược trong quân đội và sự nghiệp đào tạo dược sĩ tại Trường Đại học Dược khoa. Tóm lại,DS Huỳnh Quang Đại là một cán bộ có quá trình tham gia công tác cách mạng, có nhiều cống hiến cho ngành Dược, có tín nhiệm trong cán bộ KHKT, xứng đáng là một giáo sư của ngành Y tế.”.
Đánh giá công lao to lớn của ông, Đảng và Nhà nước đã trao cho ông nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có: danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì và hạng ba… ./.
30-03-2015