GIỚI THIỆU KHOA DƯỢC LÝ - DƯỢC LÂM SÀNG

     Tiếng Việt: Khoa Dược lý - Dược lâm sàng

     Tiếng Anh: Faculty of Pharmacology - Clinical Pharmacy.

     Vị trí: Khoa Dược lý – Dược lâm sàng là đơn vị chuyên môn thuộc Trường Đại học Dược Hà Nội, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Khoa do Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội ban hành.

     Theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐTDHN ngày 12/3/2020 của Hội đồng trường Trường Đại học Dược Hà Nội về việc thông qua Chiến lược, kế hoạch phát triển Trường Đại học Dược Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045, Trường Đại học Dược Hà Nội đã xác định mục tiêu Xây dựng thành Trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (trong lĩnh vực dược) theo định hướng đại học nghiên cứu kết hợp thực hành nghề nghiệp (2025 - 2030), thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về dược của cả nước; định hướng đại học đổi mới sáng tạo (2030), và trở thành đại học đổi mới sáng tạo vào 2045.

     Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đều đang nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dược sĩ trong lĩnh vực Sử dụng thuốc hợp lý. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành “Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam”, trong đó có riêng một lĩnh vực về “Sử dụng thuốc hợp lý”. Luật Dược 2016 đã đưa thêm một chương quy định về hoạt động Dược lâm sàng, từ đó Nghị định hướng dẫn hoạt động Dược lâm sàng sẽ được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2021. Các quy định pháp lý này đòi hỏi người dược sĩ phải được đào tạo chuyên sâu và đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục để đảm bảo có thể hành nghề trong giai đoạn mới.

     Trong bối cảnh đó, ngày 23/06/2022, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội đã ký Quyết định số 486/DHN-QĐ thành lập Khoa Dược lý - Dược lâm sàng trên cơ sở tổ chức lại Bộ môn Dược lực, Bộ môn Dược lâm sàng và Bộ môn Y học cơ sở. Đây là ba bộ môn có học thuật liên quan chặt chẽ nhất ở lĩnh vực Sử dụng thuốc hợp lý. Mặc dù tuổi đời còn non trẻ, các bộ môn tiền thân của Khoa có lịch sử lâu đời, tích luỹ được nhiều thành tựu đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ kết nối cộng đồng vô cùng phong phú, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

     Khoa Dược lý - Dược lâm sàng  có nhân lực hiện tại bao gồm 29 viên chức, người lao động trong đó có 23 Giảng viên, 6 Kỹ thuật viên. Đội ngũ Giảng viên có trình độ cao (PGS: 5; TS: 5; DSCKII: 1, ThS-NCS: 7, Ths: 5).

     Khoa Dược lý - Dược lâm sàng ngay sau khi thành lập, cùng với triết lý Đào tạo của Trường Đại học Dược Hà Nội “Đào tạo, nghiên cứu có chất lượng gắn liền với thực tiễn, lấy sáng tạo và phục vụ cộng đồng làm định hướng hành động”, đã đặt ra các mục tiêu và chiến lược phát triển nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của Trường, đặc biệt là mục tiêu về Đào tạo/Cung ứng dịch vụ cũng như mục tiêu về Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hướng tới nhu cầu xã hội, đảm bảo tính hội nhập và toàn cầu hoá. Khoa Dược lý - Dược lâm sàng tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và triển khai chương trình đào tạo để hình thành năng lực người học phù hợp với Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam, đặc biệt là năng lực trong lĩnh vực “Sử dụng thuốc hợp lý”. Đồng thời, với tiềm lực sẵn có của ba bộ môn, khoa Dược lý - Dược lâm sàng tiếp tục đóng góp phát triển học thuật và nghiên cứu khoa học từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng cũng như cung cấp các dịch vụ nghề nghiệp phù hợp với định hướng phát triển ngành Dược. Khoa Dược lý - Dược lâm sàng kế thừa và phát triển thế mạnh hiện có trong nghiên cứu phát triển thuốc mới, đặc biệt là từ nguồn nguyên liệu sinh học và các hợp chất thiên nhiên ở giai đoạn tiền lâm sàng (nghiên cứu tác dụng dược lý và độc tính), cung cấp các dịch vụ khoa học góp phần phát triển các sản phẩm thuốc của các đối tác nghiên cứu cũng như doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, Khoa Dược lý-Dược lâm sàng cũng là cơ sở tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực sử dụng thuốc hợp lý, có ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả nghiên cứu trên cơ sở khai thác các cơ sở dữ liệu lớn cũng như nghiên cứu sử dụng thuốc ở mức độ cá thể người bệnh. Từ đó sản phẩm của nghiên cứu có thể chuyển giao theo hướng tới tác động chính sách, cũng như hình thành một số dịch vụ đặc thù như dịch vụ tư vấn triển khai mô hình hoạt động dược lâm sàng tại bệnh viện, dịch vụ tư vấn sử dụng thuốc, dịch vụ giám sát trị liệu bằng thuốc…

Tập thể Khoa Dược lý - Dược lâm sàng (Tháng 11 năm 2022)


05-12-2022

4645 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL