Các quy định hướng dẫn Hợp tác quốc tế

Trong phần này chúng tôi xin chia sẻ một số kỹ năng cần thiết đối với cán bộ đối ngoại khi Phiên dịch như kỹ năng ghi chép, kỹ năng phân tích, kỹ năng trình bày và kỹ năng ghi nhớ.
​​​

MỘT SỐ KỸ NĂNG CẦN THIẾT KHI PHIÊN DỊCH
Nguồn: Trung tâm biên phiên dịch quốc gia – Bộ ngoại giao
Kỹ năng ghi chép
Nếu như việc rèn luyện kỹ năng nhớ được xem là bước đầu tiên, cơ bản giúp phiên dịch hình thành thói quen nghe đồng thời xử lý thông tin một cách thông minh để có thể truyền tải được thông điệp của diễn giả, việc rèn luyện kỹ năng ghi chép sẽ giúp phiên dịch chuyển tải được đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn nội dung của diễn giả.
Kỹ năng ghi chép của phiên dịch sẽ phát huy được tối đa tác dụng trong các cuộc họp làm việc có tính chất kỹ thuật, nhiều thông tin chuyên môn, nhiều số liệu đòi hỏi phiên dịch phải truyền tải được đầy đủ và chính xác nội dung trao đổi.
Vậy bản chất của công việc ghi dịch là gì? Đó không phải là việc chép lại nguyên văn mọi câu từ diễn giả nói ra. Đó cũng không giống như việc các sinh viên ghi lại bài giảng trong các giờ dạy lý thuyết tại trường đại học với mục đích sau đó khi có thời gian, họ có thể nghiên cứu lại bài giảng trên lớp. Đó càng không phải là việc ghi chép biên bản để viết báo cáo sau cuộc họp.
Ghi dịch chỉ có chức năng hỗ trợ, giúp phiên dịch nhớ và tái hiện lại ngay tại chỗ những nội dung mà phiên dịch đã nghe được, nắm được. Vậy phiên dịch cần ghi những gì?
  • Ý: Ý là nội dung cốt lõi của bài nói. Do vậy, ghi chép của phiên dịch cần giúp lưu giữ và thể hiện được nội dung cốt lõi bài nói của diễn giả thông qua một loạt các ký hiệu, biểu tượng, từ khóa, hình vẽ.... Những ký hiệu này sẽ giúp phiên dịch nhớ được ý tác giả muốn truyền tải và diễn đạt lại theo cách của mình.Để đảm bảo sự thống nhất và lô-gic của các ý, phiên dịch cần phải ghi được các từ bản lề (liên từ chỉ quan hệ nhân quả, đối lập, song song, thời gian...).
  • Số liệu: Số liệu cần chính xác tuyệt đối vì trong đa phần trường hợp, đó là những con số biết nói giúp củng cố, chứng minh lập luận hay quan điểm của diễn giả.
  • Các thuật ngữ: nếu như đối với các ý, phiên dịch có thể dùng muôn vàn cách để diễn đạt mà vẫn truyền tải được nội dung cốt lõi, với các thuật ngữ, từ tương ứng chỉ có một. Do đó, phiên dịch cần ghi lại các từ kỹ thuật để tìm từ tương ứng trong ngôn ngữ đích.
  • Từ được diễn giả nhắc lại nhiều lần hoặc nhấn mạnh trong bài nói: vì những từ như vậy thường thể hiện một chủ đề xuyên suốt mà diễn giả muốn thu hút sự chú ý của người nghe.
Dung lượng ghi như thế nào là phù hợp và hiệu quả? Xuất phát từ mục đích của việc ghi dịch là giúp phiên dịch tái hiện trí nhớ và truyển tải tại chỗ ý của diễn giả, phiên dịch nên ghi chép thật ngắn gọn, chọn lọc.

Ghi như thế nào? Trước khi thực hành kỹ năng ghi dịch, phiên dịch cần tự xây dựng cho mình hệ thống các chữ viết tắt, ký hiệu, biểu tượng, hình vẽ... của riêng mình. Dưới đây là một số phương pháp thường được sử dụng trong ghi dịch:
  • Ghi tắt,
  • Gạch phân tách ý chính, ý phụ,
  • Ghi câu đầu tiên và cuối cùng của 1 ý,
  • Ghi theo cột dọc,
  • Ghi bằng ngôn ngữ đích.
Kỹ năng phân tích
Kỹ năng phân tích là hết sức cần thiết đối với cả phiên dịch lẫn biên dịch. Phiên dịch càng có khả năng phân tích thì càng ghi nhớ tốt và càng chuyển ngữ được một cách trôi chảy và dễ hiểu.
Phiên dịch cần biết phân tích những nội dung mà mình tiếp nhận từ tác giả trên cơ sở trả lời được các câu hỏi sau :
- Tác giả muốn nói gì ? muốn chuyển tải điều gì đến người nghe ? Để trả lời được câu hỏi này, phiên dịch phải hiểu rõ tác giả là ai, đối tượng hướng tới của tác giả là ai, và phải đặt câu nói trong ngữ cảnh của nó. Cùng một câu nói có thể có những ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào quan hệ giữa tác giả và đối tượng tiếp nhận cũng như ngữ cảnh. Một ví dụ thường được trích dẫn là câu nói của vợ với chồng có tật hút thuốc : « Anh à, anh Nam bỏ thuốc lá rồi đấy ». Câu nói này không hẳn có mục đích truyền tải thông tin về việc anh Nam bỏ thuốc là, mà là để chuyển đến người chồng một thông điệp là « anh cũng phải như anh Nam đi ».
 - Chủ đề chung, lô-gích chung của toàn bộ bài nói của tác giả là gì ? Phiên dịch vừa nghe vừa phải biết « lắp đặt » từng câu nói của tác giả vào lô – gích chung. Điều đó cho phép phiên dịch cảnh giác với những câu nói không ăn nhập với lô-gích chung – từ đó chủ động kiểm tra lại xem mình nghe đã đúng chưa hoặc tác giả có nhầm lẫn không. Nếu tác giả đang nói về biến đổi khí hậu mà phiên dịch có lúc lại nghe thấy một vài câu về chăn nuôi gia súc, thì phiên dịch phải phân tích xem có mối liên hệ gì giữa câu nói đó với chủ đề hay không. Nếu không hề có sự liên hệ nào, thì chỉ có thể là tác giả nói nhầm hoặc phiên dịch nghe không rõ. Trong trường hợp này, phiên dịch phải không ngần ngại hỏi lại người nói chứ tuyệt nhiên không nên ngây ngô chuyển ngữ một cách « chung thủy » nội dung thông tin mà mình đã nghe thấy.
 - Các nội dung mà tác giả trình bày đã được sắp xếp theo đúng trật tự lô-gích hay chưa ? Có cần thiết phải sắp xếp lại trật tự khi dịch hay không ? Ví dụ : tác giả bắt đầu bằng một vài ví dụ để trên cơ sở đó đưa ra một nhận định, nhưng sau khi đưa ra nhận định rồi lại bổ sung thêm một vài ví dụ nữa. Trong trường hợp này, phiên dịch hoàn toàn có quyền tái cơ cấu lại trật tự của bài nói bằng cách đưa ra nhận định trước rồi nêu toàn bộ các ví dụ sau, hoặc ngược lại.
 - Tác giả có « nói thừa » không ? Thực tế có nhiều diễn giả nói đến đâu suy nghĩ đến đó, chứ không xác lập dàn ý trước khi nói. Kết quả là họ có thể lặp đi lặp lại cùng một ý, hoặc nói ra những nội dung không ăn nhập với kết cấu ý chung. Trong những trường hợp này, phiên dịch phải biết biên tập lại nội dung, bỏ bớt những ý trùng lắp hoặc ý thừa, bởi nếu cứ dịch một cách chung thủy những điều diễn giả nói thì có thể sẽ làm cho bài dịch rối rắm, khó hiểu.
Như vậy, quá trình nghe của phiên dịch là một quá trình đòi hỏi sự chủ động rất cao. Phiên dịch phải có nền tảng kiến thức sâu rộng mới có khả năng phân tích, đánh giá nội dung, gọt tỉa nội dung đó để chuyển tải đến người nghe một cách chính xác ý đồ của người nói.
Kỹ năng trình bày
Trong giai đoạn trình bày nội dung cần chuyển tải ra ngôn ngữ đến, phiên dịch cần phải làm chủ được khả năng nói trước công chúng, khả năng xử lý linh hoạt tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.
Khả năng nói trước công chúng : phiên dịch phải là diễn giả thứ hai. Sau khi nghe và nắm rõ nội dung của người nói, phiêndịch phải vào vai người đó và hướng đến đối tượng tiếp nhận thông tin để truyền tải thông tin. Phiên dịch không thể dịch mà không nhìn vào người nghe. Phiên dịch càng không thể nói lắp, nói quá nhỏ, nói quá nhanh hay quá chậm. Một tác phong giao tiếp chững chạc, cách truyền đạt rõ ràng và trôi chảy là không thể thiếu đối với phiên dịch.
Trong nhiều tình huống giao tiếp (ví dụ trường hợp thương thảo hợp đồng), thái độ của phiên dịch sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của cuộc giao tiếp. Có nên tỏ thái độ đúng như thái độ của người nói hay không, sử dụng câu chữ đúng như câu chữ của người nói hay không…là những điều mà phiên dịch cần phải cân nhắc.
Khả năng xử lý linh hoạt cũng là một phẩm chất quan trọng của phiên dịch. Tùy hoàn cảnh làm việc và đối tượng tiếp nhận thông tin, phiên dịch có thể dịch nguyên bản, dịch kèm theo giải nghĩa để làm rõ nội hàm của thông tin, dịch kèm theo liên hệ thực tiễn để người tiếp nhận thông tin dễ hiểu hoặc dịch tóm tắt ý. Phiên dịch có thể nghe một câu nhưng phải dịch thành một đoạn, hoặc nghe một đoạn nhưng chỉ cần dịch thành một câu.
Sự linh hoạt còn được thể hiện trong cách phát biểu ý. Phiên dịch đã bắt đầu câu nói thì phải kết thúc câu nói của mình chứ không được phép bỏ dở để nói lại. Ví dụ phiên dịch định nói « Tôi rất vui mừng được đến thăm Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam » nhưng vì một lý do nào đó lại bắt đầu bằng « Đến thăm Hà Nội » thì phải linh hoạt để tiếp tục diễn đạt ý bằng cách nói « Đến thăm Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam, điều đó làm tôi rất vui mừng », chứ không nên bỏ giữa chừng câu nói của mình để nói lại theo đúng dự định ban đầu.
Khi diễn đạt ý bằng ngôn ngữ đến, phiên dịch cần cố gắng trình bày sao cho bài nói của mình có cấu trúc và lô-gích rõ ràng, miễn là phản ánh chính xác nội dung của tác giả. Điều này đòi hỏi phiên dịch phải có nỗ lực phân tích trong quá trình nghe, lập ra giàn ý để trình bày. Phiên dịch sẽ không bị trách cứ khi dịch không đúng theo thứ tự lời nói của tác giả, nhưng sẽ bị chê trách nếu trình bày một cách lộn xộn, không có liên kết giữa các câu và ý.
Xử lý khi không nghe được hoặc không hiểu rõ tác giả
Về mặt nguyên tắc, phiên dịch chỉ được dịch sau khi đã hiểu rõ ý của người nói. Nếu không nghe được hoặc nghe được nhưng không hiểu, thì phiên dịch trước hết phải yêu cầu người nói nhắc lại hoặc giải thích rõ cho đến khi nào hiểu rõ ý của người nói thì mới bắt đầu dịch. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản nhất trong đạo đức nghề nghiệp của phiên dịch.
Tuy nhiên, trong thực tiễn hành nghề, có không ít tình huống mà vì lý do khách quan hoặc chủ quan phiên dịch không nghethấy hoặc không hiểu nhưng lại không thể nào hỏi lại người nói. Trường hợp điển hình nhất là khi phiên dịch trong ca-bin, người nói và phiên dịch không thể nào giao tiếp tương tác được với nhau. Ngoài ra có những hoàn cảnh mà việc hỏi lại của phiên dịch sẽ gây tác động rất không tốt đến diễn tiến của sự kiện : ví dụ trong một tiệc vui, người nói chủ yếu diễn tả tình cảm vui mừng đôi khi lên đến cao trào ; nếu phiên dịch yêu cầu người nói nhắc lại, không chỉ sẽ gây khó khăn cho người nói vì họ chưa chắc đã nhớ những điều vừa nói, mà còn làm cho sự kiện bị ngắt quãng và mục đích của giao tiếp không đạt được.
Trước những tình huống khó khăn nêu trên đã xuất hiện một số phương pháp xử lý mang tính kinh nghiệm. Chúng tôi xin nêu dưới đây một vài phương pháp để bạn đọc tham khảo, với lưu ý rằng những biện pháp này chỉ nên sử dụng trong những trường hợp thực sự không còn giải pháp nào tốt hơn.
- Phóng tác : Phiên dịch chỉ nghe được hoặc chỉ hiểu được một số từ hoặc một số ý. Dựa vào đó, kết hợp với lô-gích bài nói và ngữ cảnh, phiên dịch chủ động xây dựng phần dịch của mình sao cho nội dung thông tin đưa ra không lạc đề. Phương pháp này chỉ nên sử dụng trong hoàn cảnh mà việc dịch chính xác nội dung không thực sự quan trọng. Ví dụ trường hợp mục đích của bài nói chỉ là biểu lộ một tình cảm hay thể hiện sự chào mừng.
- Nhắc lại nội dung gần nhất: Phiên dịch lấy lại một hoặc nhiều thông tin mà mình đã dịch trước đó và nhắc lại với hàm ý là muốn nhấn mạnh một lần nữa. Phương pháp này khá an toàn và cần phải được áp dụng đối với những trường hợp mà việc dịch đúng nội dung là cần thiết. Đương nhiên, sau khi đã « nhắc lại » một cách cố ý như vậy thì phiên dịch phải cố gắng tìm hiểu nội dung thông tin mà mình chưa nghe thấy để đến thời điểm phù hợp sẽ truyền tải lại cho người nghe.
Kỹ năng ghi nhớ
Một trong những kỹ năng cơ bản nhất của phiên dịch là kỹ năng ghi nhớ. Thông thường, khi dịch nối tiếp, người nói thường dừng lại sau một vài câu để phiên dịch chuyển ngữ. Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp, người nói có thể nói liền một mạch trong khoảng thời gian vài ba phút mới dừng lại. Nếu phiên dịch không ghi nhớ được thì sẽ rơi vào tình trạng « không có gì để dịch ».
Có ý kiến cho rằng khả năng ghi nhớ là một năng khiếu thiên bẩm và bất kỳ phiên dịch giỏi nào cũng phải là người có năng khiếu này.Tuy nhiên, trong thực tế, kỹ năng ghi nhớ hoàn toàn có thể xây dựng được thông qua rèn luyện và phải được thường xuyên trau dồi.
Quá trình ghi nhớ trong phiên dịch là một quá trình chủ động. Phiên dịch không cần và không được tập trung vào việc nhớ từ, nhớ câu (người ta nói câu gì thì nhớ câu đó) bởi vì cốt lõi của hoạt động phiên dịch là chuyển ý chứ không phải là chuyển cái vỏ ngôn ngữ của ý. Phiên dịch cần phải tập trung lắng nghe, vừa nghe vừa phân tích để rút ra « ý muốn nói » của tác giả để ghi nhớ. Trong quá trình này, phiên dịch phải vận dụng những hiểu biết của mình để đón nhận thông tin một cách chủ động nhằm thiết lập một « dàn ý » nội dung sát với nội dung của người nói. Công việc tiếp theo là phát biểu nội dung đó ra bằng ngôn ngữ đến sao cho chuẩn xác.
Nguyên tắc « ghi nhớ nội dung » nêu trên chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ, trong đó tiêu biểu là trường hợp người nói chỉ nói để mà nói chứ không có nội dung, không nhằm chuyển tải bất kỳ thông tin nào. Một trường hợp khác thường được biết đến là khi người nói đặt trọng tâm vào hình thức ngôn ngữ chứ không đặt trọng tâm vào nội dung. Trong những trường hợp này, việc dịch nguyên bản « word by word » tỏ ra cần thiết và đòi hỏi phiên dịch phải nhớ được chính xác câu, từ của người nói.


01-03-2016

49 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL