Chức năng nhiệm vụ Bộ môn Dược lâm sàng
I.Chức năng
Bộ môn Dược lâm sàng có chức năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo chương trình chi tiết đã được phê duyệt các môn học về Dược lâm sàng, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phù hợp với chuyên môn về Dược lâm sàng đáp ứng mục tiêu nâng cao vai trò của người dược sỹ trong thực hành lâm sàng, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn hợp lý. Tham gia các hoạt động tư vấn trong ngành về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của bộ môn. Quản lý viên chức bộ môn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và tham gia giáo dục rèn luyện sinh viên.
II.Nhiệm vụ
1. Hoạt động đào tạo:
* Các môn học được phân công giảng dạy:
- Dược lâm sàng, Bệnh học cho hệ đào tạo: Đại học, liên thông, văn bằng hai, cao đẳng.
- Chăm sóc dược; Dược động học; Dược động học lâm sàng; Sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh mạn tính; Sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh xã hội; Sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh chuyên khoa; Đánh giá và quản lý tương tác thuốc; Phản ứng có hại của thuốc; Thực hành chăm sóc dược; Thông tin thuốc cho hệ đào tạo: Sau đại học (cao học, chuyên khoa I, chuyên khoa II).
- Hóa dược - Dược lý III cho hệ đào tạo: Trung cấp
Ngoài ra còn có các môn học mới theo sự phân công của nhà trường, đặc biệt là các môn học được hình thành trên cơ sở định hướng phân khoa dược lâm sàng.
Bộ môn tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo lại về dược lâm sàng cho học viên là Dược sỹ, Bác sỹ do Bộ Y tế, các Sở y tế, Bệnh viện, Hội nhà thuốc… tổ chức.
* Nhiệm vụ:
- Xác định mục tiêu môn học/học phần, xây dựng chương trình chi tiết môn học/học phần được phân công phù hợp với các hệ đào tạo.
- Đề xuất, biên soạn, biên soạn lại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu học tập, bài giảng liên quan đến các môn học/học phần của bộ môn.
- Tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy do nhà trường giao cho: phân công giảng dạy, thông qua nội dung bài giảng, giám sát thực hiện, đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo đúng tiến độ trong chương trình, kế hoạch đã được nhà trường phê duyệt.
- Hướng dẫn tốt nghiệp: Bộ môn có nhiệm vụ hướng dẫn tốt nghiệp cho các đối tượng sau: nghiên cứu sinh chuyên ngành Dược lâm sàng, cao học chuyên ngành dược lý - dược lâm sàng, chuyên khoa I - chuyên khoa II chuyên ngành dược lâm sàng, sinh viên đại học.
Với mỗi đối tượng, bộ môn có nhiệm vụ định hướng đề tài, phân công cán bộ hướng dẫn, tạo điều kiện làm việc và tổ chức sinh hoạt khoa học cho học viên theo đúng quy chế đào tạo đại học và sau đại học cũng như các quy định của Nhà trường.
- Cập nhật và đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng đào tạo. Tổ chức dự giờ giảng của giảng viên, lấy ý kiến đánh giá của người học đối với giảng viên.
- Đánh giá kết quả học tập của người học theo đúng quy chế hiện hành. Xây dựng và cập nhật ngân hàng đề thi, xác định phương pháp đánh giá, tổ chức đánh giá, quản lý lưu trữ tốt kết quả học tập.
- Tham gia cùng nhà trường thực hiện công tác giáo dục rèn luyện sinh viên, công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên quốc tế theo yêu cầu của nhà trường.
2. Hoạt động khoa học công nghệ:
- Đề xuất, đăng ký, đấu thầu chủ trì đề tài khoa học phù hợp với phương hướng học thuật của bộ môn. Hiện nay, nghiên cứu của bộ môn tập trung vào các hướng cơ bản sau:
+ Đánh giá sử dụng thuốc hợp lý.
+ Dược động học lâm sàng.
+ Xây dựng mô hình hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện.
+ Đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học, tương đương điều trị của thuốc generic.
+ Tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng pha 3, pha 4.
- Định kỳ tổ chức sinh hoạt khoa học, hội nghị khoa học bộ môn. Tham gia báo cáo khoa học tại các hội nghị khoa học của trường, trong nước và nước ngoài.
- Xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học của bộ môn. Khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ của bộ môn tham gia tối đa vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ khoa học thuộc chuyên ngành.
- Chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, bệnh viện, tổ chức khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh dịch vụ để nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu thực tiễn, gắn chặt nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất và đời sống xã hội theo kế hoạch của nhà trường.
3. Nhiệm vụ khác:
- Tham gia xây dựng mục tiêu đào tạo, phương hướng phát triển của Nhà trường, của ngành.
- Tham gia các hoạt động đoàn thể, các nhiệm vụ khác do Nhà trường giao.
III.Quản lý đơn vị
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chung, trưởng (phụ trách) bộ môn phân công các cán bộ quản lý theo mảng công việc:
- Giáo vụ đại học: quản lý các công việc liên quan đến đào tạo đại học và trung học
- Giáo vụ sau đại học: quản lý các công việc liên quan đến đào tạo sau đại học, đào tạo lại
- Giáo tài: quản lý sử dụng trang thiết bị cơ sở vật chất của bộ môn
- Phụ trách nghiên cứu khoa học: quản lý các công việc liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đầu mỗi học kỳ, bộ môn xây dựng kế hoạch làm việc tổng thể dựa trên kế hoạch báo giảng của nhà trường cũng như tiến độ đề tài nghiên cứu triển khai trong học kỳ theo phê duyệt.
Giao ban toàn bộ môn thường xuyên (tối thiểu 1 lần/tuần) để giám sát các hoạt động của bộ môn theo kế hoạch cũng như điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các buổi sinh hoạt đột xuất sẽ được thực hiện theo sự vụ cụ thể. Mỗi tháng, bộ môn có một buổi sinh hoạt khoa học.
Xây dựng và phát triển phương hướng học thuật của bộ môn: định kỳ rà soát học thuật bộ môn đảm bảo tính hòa hợp với các quốc gia trên thế giới đồng thời vẫn khả thi trong điều kiện Việt Nam. Xây dựng kế hoạch hoạt động cũng như giám sát thực hiện để bảo đảm các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu theo đúng học thuật.
Xây dựng quy hoạch phát triển dài hạn của bộ môn đáp ứng nhu cầu đào tạo của Nhà trường và xã hội.
09-01-2017