Báo cáo tiến độ thực hiện dự án NPT VNM 240

01/06/2012 2:50:30 CH
Tên dự án: Nâng cao chất lượng đào tạo dược sỹ lâm sàng tại việt Nam để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả của cộng đồng

BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐH DƯỢC HÀ NỘI
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BÁO CÁO TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN DỰ ÁN NPT VNM 240
I. Thông tin chung dự án
1.Tên dự án: Nâng cao chất lượng đào tạo dược sỹ lâm sàng tại việt Nam để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả của cộng đồng
2. Tên nhà tài trợ: Chính phủ Hà Lan tài trợ thông qua chương trình tăng cường năng lực thể chế cho giáo dục và đào tạo sau phổ thông (NUFFIC, Hà Lan)
3. Cơ quan chủ quản: Bộ Y tế
4. Chủ dự án: Trường Đại học Dược Hà Nội
5. Các đơn vị phối hợp thực hiện
1. Trường Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh
2. Trường Đại học Y-Dược Cần Thơ
3. Trường Đại học Y-Dược Huế.
4. Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên.
5. Trường Đại học Y Thái Bình
6. Thời gian dự kiến thực hiện dự án3:
7.Tổng vốn của dự án: 2.168.297 EUR (vốn đối ứng là con người và cơ sở vật chất của các trường thụ hưởng dự án)
8. Hình thức cấp vốn ODA: ODA không hoàn lại
II. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án
1. Mục tiêu
11. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao chất lượng đào tạo dược sỹ lâm sàng để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả của cộng đồng, góp phần cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
1.2. Mục tiêu cụ thể
1) Xây dựng chương trình đào tạo dược sỹ có tính cập nhật, hiện đại, trên cơ sở đó xây dựng chương trình đào tạo dược sỹ lâm sàng đáp ứng được yêu cầu của việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
2) Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tham gia công tác đào tạo dược lâm sàng thông qua bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiên tiến và đào tạo nhân lực sau đại học cho 6 trường tham gia.
3) Xây dựng môi trường đào tạo dược sỹ lâm sàng dựa vào kỹ năng, để đào tạo dược sỹ có đủ kiến thức, thái độ cần thiết đáp ứng được các yêu cầu thực tế của việc hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
4) Nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo dược sỹ lâm sàng.
2. Kết quả chủ yếu:
1) Xây dựng được các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng, thái độ của dược sỹ và dược sỹ lâm sàng. 
2) Xây dựng được Bộ công cụ dùng trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo dược sĩ.
3) Xây dựng được chương trình khung đào tạo dược sỹ và chương trình đào tạo dược sỹ lâm sàng.
4) Đào tạo 06 Thạc sỹ và 2 Tiến sĩ dược tại Hà Lan.
5) Có 10 giảng viên được huấn luyện về phương pháp dạy học tiên tiến tại Hà Lan.
6) Có 10 giảng viên được tập huấn về phương pháp dạy học tiên tiến tại một nước trong khu vực.
7) Có 160 lượt giảng viên được tập huấn trong nước về phương pháp dạy học tiên tiến do giảng viên Hà Lan thực hiện.
8) Có 600 lượt giảng viên được tập huấn trong nước về phương pháp dạy học tiên tiến do giảng viên Việt Nam thực hiện.
9) Có 10 cán bộ quản lý được tập huấn về quản lý đào tạo dược sỹ lâm sàng tại Hà Lan.
10) Có 10 cán bộ quản lý được tập huấn về quản lý đào tạo dược sỹ lâm sàng tại một nước trong khu vực.
11) Có 40 cán bộ quản lý được tập huấn về quản lý đào tạo dược sỹ lâm sàng tại Việt Nam do giảng viên Hà Lan và Việt Nam phối hợp thực hiện.
12)Biên soạn được 6 cuốn giáo trình chuyên ngành dùng để giảng dạy dược sỹ lâm sàng; xây dựng tài liệu nghe nhìn cho 6 cuốn tài liệu đã biên soạn; xây dựng công cụ tự lượng giá và kiểm tra dùng cho 6 cuốn sách giáo khoa.
13) Trang bị hai phòng thực hành dược lâm sàng.
14) Xây dựng được cơ sở dữ liệu về thuốc và công cụ tra cứu trực tuyến các dữ liệu này phục vụ cho công tác đào tạo dược sỹ và đội ngũ cán bộ y tế và cộng đồng.
15)Bổ sung số lượt cán bộ viên chức được tập huấn về đảm bảo chất lượng các lớp !
16)Phương pháp dạy học tiên tiến được triển khai rộng rãi trong đào tạo dược sỹ và dược sỹ lâm sàng tại 6 trường tham gia dự án.
17) Các kết quả của dự án, trước hết là chương trình và học liệu, phương pháp dạy học, kỹ năng hướng dẫn sử dụng thuốc và dược lâm sàng được triển khai rộng rãi trong toàn bộ hệ thống đào tạo nhân lực y tế; cơ sở dữ liệu về thuốc sẽ được giới thiệu cho các giảng viên, sinh viên và cộng đồng.
III/  Những điều chỉnh trong quá trình triển khai dự án
1/ Thiết kế và triển khai thực hiện chương trình đào tạo dược sỹ và dược lâm sàng mới (A1):
1.1.Nội dung hoạt động theo văn kiện dự án: Theo dự kiến, hoạt động A1 bao gồm (1) Khảo sát đánh giá thực trạng hoạt động đào tạo dược sĩ và dược sĩ lâm sàng ở Việt Nam; (2) Rà soát và đổi mới chương trình giáo dục trong đào tạo dược sĩ, dược sĩ lâm sàng và mô tả chi tiết thông qua: tổ chức 4 hội thảo quốc tế và 4 hội thảo trong nước với mục tiêu rà soát xây dựng khung chương trình đào tạo dược sĩ, dược sĩ lâm sàng cập nhật và tiên tiến; (3) Triển khai chương trình giáo dục mới thí điểm tại một số trường và khảo sát đánh giá tính thích ứng của chương trình giáo dục mới.
Đầu ra của hoạt động:
-Khảo sát, xây dựng các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng, thái độ của dược sỹ và dược sỹ lâm sàng. 
- Xây dựng chương trình giáo dục dược sỹ và dược sỹ lâm sàng.
- Xây dựng bộ công cụ dùng trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo dược sĩ
1.2 Điều chỉnh hoạt động
(1) lần 1: tổ chức 03 hội thảo quốc tế + 05 hội thảo trong nước trong rà soát/ xây dựng chương trình giáo dục và mô tả chi tiết;
(2) lần 2: Biên tập cuốn Chương trình giáo dục và mô tả chi tiết định hướng dược lâm sàng (Việt – Anh) và mô tả tiến trình triển khai hoạt động A1;
(3) lần 3: Mở rộng mục tiêu khảo sát “tính thích ứng của chương trình giáo dục mới” thành “khảo sát hiệu quả hoạt động, tác động của dự án và đánh giá công tác quản lý/ giám sát của dự án”. Lý do: thứ nhất: chương trình giáo dục mới được triển khai thí điểm 1 năm (năm 2011) tại Trường ĐH Y Dược HCM và Trường ĐH Dược Hà Nội, thứ hai: kết quả khảo sát sẽ hỗ trợ công tác đánh giá và viết báo cáo tổng kết dự án.
1.3. Kết quả đạt được:
(1) 5 hội thảo trong nước;
(2) 3 hội thảo quốc tế;
(3) Cuốn tổng hợp chương trình giáo dục và mô tả chi tiết 5 định hướng (Việt- Anh);
(4) Cuốn mô tả tóm lược diễn biến triển khai hoạt động A1;
(5) Kết quả khảo sát đánh giá thực trạng năm 2008;
(6) Kết quả khảo sát đánh giá hiệu quả, tác động dự án và công tác quản lý/giám sát;
(7) Thông tư số 01/2012/ TT-BGDĐT ngày 13/01/2012 do Thứ trưởng Bùi Văn Ga kí duyệt: Chương trình khung giáo dục đại học khối ngành Khoa học Sức khỏe, trình độ đại (Việt – Anh).
2/ Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy (A2)
2.1.Theo nội dung Văn kiện dự án: Biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy (nghe nhìn) song ngữ Viêt – Anh. Nội dung dự kiến bao gồm: (1)Dược lâm sàng cơ bản; (2) Giao tiếp trong dược lâm sàng và chăm sóc dược; (3) Dich tễ học và kinh tế dược; (4) Điều trị ứng dụng; (5) Hồ sơ bệnh án trong ứng dụng điều trị; (6) Phát triển các chương trình/ phương pháp đào tạo từ xa.
Ngoài ra, như một phần trong đào tạo từ xa, nhu cầu về cơ sở dữ liệu về hồ sư bệnh án, ca lâm sàng và một số tài liệu khác được xây dựng / cung cấp để sinh viên/ giảng viên/ dược sĩ tự nghiên cứu.
2.2. Điều chỉnh hoạt động:
- Hoãn việc xây dựng tài liệu nghe nhìn với lý do để tập trung biên soạn và in ấn giáo trình tham khảo trong giảng dạy về dược lâm sàng cho các trường Dược của Việt Nam.
- Cuốn sách sẽ được thực hiện biên soạn bởi các giảng viên của 6 trường Dược trong toàn quốc phối hợp với các giảng viên ĐH Groningen dựa trên (1) tài liệu tham khảo do phía Hà Lan cung cấp; (2) Khung cuốn sách do Ban QL Dự án phía Việt Nam và Hà Lan thống nhất; (3) Cuốn sách được biên soạn bằng tiếng Việt có phần viết tóm tắt các chương bằng tiếng Anh; (4) Cuốn sách được chia thành 2 tập do GS. Hoàng Kim Huyền và GS. Koos Brouwers làm chủ biên; (5) Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo trong chương trình đào tạo dược sĩ lâm sàng của các trường Y Dược trong toàn quốc.
2.3. Kết quả hoạt động:
- 02 tập sách: “Dược lâm sàng: các nguyên lý cơ bản và sử dụng thuốc trong điều trị”
- Cuốn sách trên được in và cung cấp cho 6 trường thụ hưởng dự án tham khảo trong đào tạo dược sĩ, dược sĩ lâm sàng.
3. Đào tạo 10 giảng viên về phương pháp giảng dạy trình độ cao trong đào tạo dược sỹ lâm sàng ở Hà Lan (A3):
3.1. Nội dung hoạt động: Trong kế hoạch dự định thực hiện 1 khoá đào tạo cho 10 người trong 3 tuần tại ĐH Groningen Hà Lan.
3.2. Điều chỉnh hoạt động: Khoá đào tạo này đã  được thay bằng 2 khoá đào tạo, mỗi khoá 8 người trong 1 tuần, thực hiện trong năm 2008 và 2009.
3.3.Kết quả hoạt động:  Dự án đã tổ chức được 02 đoàn với tổng số 16 học viên tham dự khoá đào tạo về phương pháp giảng dạy tại Hà Lan vào tháng 12 năm 2008 và tháng 6 năm 2009.
4. Đào tạo 10 giảng viên ở một nước trong khu vực về phương pháp giảng dạy trình độ cao trong giảng dạy dược lâm sàng trong 2 tuần tại 1 nước trong khu vực(A4):
4.1. Nội dung hoạt động: 1 đoàn gồm 10 giảng viên của các trường tham gia dự án đã được tham quan và tham gia một khoá học về phương pháp giảng dạy tại trường Trường ĐH Mahidol Thái Lan, tháng 11 năm 2009,.
4.2. Kết quả hoạt động: 10 giảng viên được đào tạo tại Trường ĐH Mahidol Thái lan về phương pháp giảng dạy tích cực trong đào tạo dược sĩ lâm sàng.
5. Đào tạo tại Việt Nam cho 160 lượt giảng viên tham gia đào tạo dược sỹ lâm sàng bởi các giảng viên Hà Lan tại Việt Nam (A5):
5.1. Nội dung hoạt động: Các giảng viên từ Hà Lan và giảng viên Việt Nam sẽ tổ chức 8 lớp đào tạo phương pháp giảng dạy tích cực tại Việt Nam cho 160 lượt giảng viên của 6 trường tham gia dự án.
5.2. Kết quả hoạt động:
- 5 khóa học về phương pháp giảng dạy tích cực đã được tổ chức tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh cho 160 học viên đến từ 6 trường. Các khóa học được thực hiện bởi Giảng viên Việt Nam đã được đào tạo tại Hà Lan và Thái Lan với sự trợ giúp của chuyên gia Hà Lan.
- Đào tạo được 16 giảng viên nòng cốt của 6 trường về phương pháp giảng dạy tích cực.
6. Đào tạo tại Việt Nam cho 600 lượt giảng viên tham gia đào tạo dược sỹ lâm sàng bởi các giảng viên Việt Nam (A6)
6.1. Nội dung hoạt động: Tổ chức 30 lớp đào tạo về phương pháp giảng dạy dược lâm sàng tại 6 trường tham gia dự án cho 600 lượt giảng viên của 6 trường tham gia dự án và các cơ sở tham gia hướng dẫn thực hành cho sinh viên tại Việt Nam. Giảng viên tham gia giảng dạy là giảng viên Việt nam.
6.2. Điều chỉnh hoạt động:
- Căn cứ trên số lượng giảng viên của 6 trường, giảm số lượng 600 lượt giảng viên đào tạo TOT xuống 200 lượt giảng viên.
- Chuyển kinh phí còn lai sang biên soạn cuốn sách tham khảo cho giảng viên các trường về phương pháp giảng dạy tích cực, dựa trên tài liệu giảng dạy của các giảng viên Hà Lan và kinh nghiệm giảng dạy trong thực tế/ chuyên môn của nhóm 16 giảng viên nòng cốt của 6 trường thụ hưởng dự án.
- Sử dụng kinh phí còn lại đào tạo bổ sung 02 giảng viên của ĐH Y Dược Thái Nguyên và Thái Bình theo học khóa đào tạo thạc sĩ tại Trường Đại học Dược Hà Nội và tham gia 01 lớp tăng cường tiếng Anh tại Hà Nội chuẩn bị cho đợt thực tập 2 tháng tại ĐH Groningen Hà Lan trong năm 2011. Cuối năm 2011, theo thỏa thuận của hai bên, do 02 ứng cử viên của Thái Nguyên và Thái Bình không đạt trình độ tiếng Anh để tham gia khóa học chuyên ngành hai tháng tại Hà Lan; BQL Dự án Việt Nam và Hà Lan quyết định cấp kinh phí cho 02 ứng cử viên này theo học 10 tuần tiếng Anh tại 01 trường của Singapore, với mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên của hai trường Thái Nguyên và Thái Bình.
6.3. Kết quả hoạt động:
- 200 lượt giảng viên được tổ chức thành 10 khóa học đào tạo về phương pháp giảng dạy tích cực cho 6 trường thụ hưởng dự án và trường Cao đẳng Dược TW Hải Dương.
- 01 Tài liệu hướng dẫn tập huấn về kỹ năng dạy học chủ động
- 02 giảng viên của Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên và Thái Bình được cấp kinh phí theo học thạc sĩ tại trường Đại học Dược Hà Nội và tham gia các lớp tăng cường tiếng Anh tại Hà Nội và Singapore.
7. Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng (A7):
7.1. Nội dung theo văn kiện dự án: Một hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo trong đào tạo dược sĩ sẽ được thiết kế cho Việt Nam. Hoạt động giảng dạy phải được giám sát thường xuyên bởi chính đơn vị tổ chức đào tạo và được đánh giá độc lập bởi 01 đơn vị bên ngoài. Phần mềm cho lượng giá của sinh viên liên quan đến các khóa học, giảng viên... sẽ được thiết kế phục vụ cho mục đích này.
7.2. Điều chỉnh hoạt đông: Hoạt động này được kết hợp với hoạt động B5 trong tổ chức một số khóa tập huấn cơ bản và nâng cao về công tác kiểm định chất lượng. Phần lớn chi phí cho hoạt động này sẽ được chuyển sang kinh phí phía VN quản lý trong hỗ trợ Việt Nam xây dựng Bộ công cụ đảm bảo chất lượng dạy và học được triển khai tại 6 trường Dược với chuyên gia tư vấn đến từ Hà Lan và Cục khảo thí – kiểm định chất lượng của Việt Nam.
Hoạt động chủ yếu được thực hiên: (1) tổ chức 01 lớp tập huấn về kiểm định chất lượng và quản lý đào tạo do giảng viên Hà Lan thực hiện (A7 kết hợp với B5); (2) Tổ chức 03 lớp tập huấn về QA do giảng viên đến từ Cục khảo thí và kiểm định chất lượng của Việt Nam; (3) Xây dựng và triển khai 05 bộ công cụ; (4) Tổ chức khảo sát về công tác dạy học và đảm bảo chất lượng tại các trường Dược ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế và Thái nguyên.
7.3. Kết quả của hoạt động:
- 01 khóa đào tạo về kiểm định chất lượng do giảng viên Hà Lan giảng dạy vào tháng 3/2010 cho 40 học viên (1 tuần).
- Năm 2011, 3 khóa học về đảm bảo chất lượng trong trường đại học được tổ chức: về thiết kế và xây dựng bộ công cụ đánh giá; về thẩm định công cụ đánh giá với tổng số 95 học viên đến từ 6 trường thụ dự án do giảng viên Việt Nam đến từ Cục Khảo thí kiểm định chất lượng thực hiện.
- Xây dựng và triển khai 05 Bộ công cụ đảm bảo chất lượng giáo dục.
- Triển khai khảo sát về công tác dạy học và DBCL tại các trường Hà Nội, HCM, Huế, Thái Nguyên.
- Biên tập tổng hợp báo cáo của các trường về công tác kiểm định chất lượng.
8. Đào tạo 2 tiến sỹ (B1)
8.1. Nội dung theo văn kiện dự án: 02 ứng viên là cán bộ giảng dạy thuộc Trường Đại học Dược Hà Nội và Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh sẽ được lựa chọn để đào tạo hai tiến sỹ dược tại Hà Lan. Hai ứng viên được chọn phải có chuyên môn/ tiếng Anh đạt yêu cầu của cơ sở đào tạo phía Hà Lan, và phải có cam kết sau khi hoàn thành khoá học trở về Việt nam sẽ tiếp tục làm việc tại các trường tuyển cử.
8.2. Kết quả hoạt động:
- 02 nghiên cứu sinh đang được đào tạo tại trường Đại học Groningen, dự kiến hoàn thành/ bảo vệ luận văn cuối năm 2012 và 2013 (01 NCS từ HUP bắt đầu học năm 2008 và 1 NCS từ tp HCM bắt đầu học từ 11/2009)
9. Đào tạo 6 thạc sỹ (B2)
9.1. Nội dung theo văn kiện dự án: Sáu dược sỹ là cán bộ giảng dạy của 6 trường tham gia dự án sẽ được lựa chọn theo học chương trình đào tạo thạc sỹ dược tại trường ĐH Groningen. Các ứng viên được lựa chọn phải đạt yêu cầu về chuyên môn/ tiếng Anh và phải có cam kết sau khi hoàn thành khoá học trở về Việt nam sẽ tiếp tục làm việc tại các trường tuyển cử.
9.2. Kết quả hoạt động:
- 06 thạc sĩ được đào tạo và đã bảo vệ thành công tại Đại học Groningen: trong đó có 02 đến từ trường ĐH Dược Hà Nội, 02 đến từ trường ĐH Y Dược HCM, 01 đến từ ĐH Y Dược Cần thơ, 01 đến từ trường DH Y Dược Huế.
- Kết hợp với hoạt động A6, 02 ứng cử viên được đào tạo cao học tại trường ĐH Dược Hà Nội, dự kiến tốt nghiệp 2012
- Bên cạnh đó 01 ứng cử viên thạc sĩ của ĐH Dược Hà Nội được tiếp tục theo học nghiên cứu sinh tại ĐH Groningen và 01 ứng cử viên thạc sĩ của ĐH Y Dược Huế được tiếp tục nhận học bổng theo học nghiên cứu sinh tại một nước khác.
10. Xây dựng CSDL ca lâm sàng
10.1. Nội dung theo văn kiện dự án:
Mục tiêu:
Phát triển môi trường học tập phục vụ cho đào tạo dược lâm sàng cho các trường tham gia thực hiện dự án.
Các nội dung hoạt động và kết quả chính: Trang bị thiết bị (máy tính và các thiết bị khác) và phần mềm thực hành dược lâm sàng cho hai phòng thực hành dược lâm sàng tại Trường Đại Học Dược Hà Nội và Khoa Dược - Đại học Y Dược TP HCM (C1). Phần mềm thực hành dược lâm sàng cần đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Có cơ sở dữ liệu về các ca lâm sàng (với các chỉ số sinh hoá của người Việt nam)
- Mô hình thực hành tư vấn với các thiết bị máy tính để tra cứu cơ sở dữ liệu.
- Thiết bị video để đưa ra các phản hồi trong ghi chép lại các tư vấn và trao đổi
10.2. Điều chỉnh hoạt động:
- Trang bị 06 phòng thực hành kỹ năng giao tiếp cho 6 trường; trang bị 02 labo thực hành kỹ năng cho Trường ĐH Y Dược HCM và ĐH Dược Hà Nội; trang bị thiết bị nối mạng trong tra cứu CSDL thông tin thuốc trực tuyến cho 6 trường thụ hưởng dự án.
- Xây dựng CSDL Ca lâm sàng : 100 ca bao gồm 50 ca cơ bản và 50 ca nâng cao. CSDL ca lâm sàng được biên soạn bởi giảng viên 6 trường thụ hưởng dự án và được tổ chức phản biện/ đóng góp ý kiến từ khối bác sĩ và dược sĩ đang tham gia tại các cơ sở điều trị có lĩnh vực chuyên ngành liên quan.
- Xây dựng phầm mềm Gimmics/ VPMS trong đào tạo thực hành cho sinh viên về phân tích ca lâm sàng và tư vấn
- Tổ chức 02 lớp tập huấn cho giảng viên 6 trường và một số bệnh viện của Việt Nam về cách phân tích ca lâm sàng dựa trên y học bằng chứng do giảng viên Hà Lan thực hiện.
10.3. Kết quả đầu ra:
- 06 phòng thực hành kỹ năng giao tiếp được trang bị cho 6 trường thụ hưởng dự án
- 02 labo thực hành kỹ năng được trang bị cho 02 trường Hà Nội và HCM
- Các thiết bị nối mạng tra cứu thông tin thuốc trực tuyến được trang bị cho 6 trường thụ hưởng dự án.
- CSDL 100 ca lâm sàng được biên soạn (bao gồm cả tài liệu hỗ trợ cho giảng viên trong giảng dạy phân tích ca)
- Phần mềm VPMS (phần mềm nhập CSDL 100 ca lâm sàng) được thiết kế góp phần hỗ trợ sinh viên tra cứu và thực hành trực tiếp trên máy trong phân tích CLS và tìm hiểu về các kiến thức lâm sàng/ điều trị.
11. CSDL trực tuyến về thông tin thuốc (C2):
11.1. Nội dung theo văn kiện dự án:
- Thiết lập phần mềm tra cứu dữ liệu trực tuyến
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thuốc: Hệ thống Cơ sở dữ liệu này sẽ được chia sẻ phục vụ cho công tác đào tạo của 6 trường tham gia dự án. Ngoài ra có thể hỗ trợ cho các cán bộ y tế, đặc biệt các dược sỹ bệnh viện và nhà thuốc trong toàn quốc trong công tác hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc.
11.2. Điều chỉnh hoạt động: Hoạt động bao gồm 02 cấu phần chính
- Xây dựng CSDL một chiều bao gồm: CSDL thông tin thuốc miễn phí và CSDL thông tin thuốc phải trả phí
- Xây dựng CSDL hai chiều do giảng viên của 6 trường thụ hưởng thực hiện, có nghĩa là CSDL chuyên luận thuốc bằng tiếng việt bao gồm 140 chuyên luận được chọn dựa trên danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam. Từng chuyên luận thuốc được xây dựng dựa trên các nguồn tài liệu tham khảo có bằng chứng theo khung chuyên luận thuốc của phần mềm được Văn phòng TCYTTG tài trợ trong chương trình hợp tác của Trường ĐH Dược Hà Nội với WHO 2009. Mỗi chuyên luận thuốc được biên soạn riêng rẽ gồm 4 bộ cơ sở dữ liệu:
+ Monograph từ Dược thư (phần này có trong CSDL của Hội đồng dược điển, được chuyển giao cho dự án trong chương trình hợp tác giữa ĐH Dược Hà Nội với Hội đồng dược điển quốc gia)
+ Monograph tương tác thuốc
+ Monograph tương hợp – tương kị 
+ Thông tin biệt dược
11.3. Kết quả của hoạt động
- Bookmark các CSDL thông tin thuốc miễn phí (trên trang Web của HUP): chia sẻ cho 6 trường và các đơn vị liên quan truy cập
- Mua quyền truy cập CSDL Medicine Complete: chia sẻ CSDL cho 6 trường, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Cảnh giác dược, khối bệnh viện và các cơ quan liên quan.
- Biên soạn CSDL chuyên luận thuốc bao gồm 140 chuyên luận thuốc được nhập liệu vào phần mềm tra cứu trực tuyến, miễn phí. CSDL này được sử dụng không chỉ cho khối các trường ĐH Y Dược mà còn được khuyến khích cho các bệnh viện, hệ thống các trung tâm thông tin thuốc và cảnh giác dược trong toàn quốc sử dụng.
12. Hoạt động quản lý dự án (PM1)
Dự án được quản lý và điều hành thực hiện trực tiếp bởi Ban quản lý dự án của Việt Nam và Ban quản lý dự án phía Hà Lan. Ban quản lý dự án ở Hà Lan bao gồm điều phối viên dự án, quản lý dự án, quản lý tài chính, quản lý về chuyên môn do ĐH Groningen chỉ định. Ban Quản lý dự án tại Việt Nam do Bộ Y tế thành lập. Trường Đại học Dược Hà Nội làm chủ dự án. Ban giám đốc bao gồm 1 giám đốc là hiệu trưởng trường ĐH Dược Hà Nội và 3 phó giám đốc (2 là phó hiệu trưởng trường ĐH Dược Hà Nội và 1 là đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học Đào tạo). Các ủy viên bao gồm điều phối viên dự án, kế toán, cán bộ dự án và thư ký dự án. Tại các trường thành viên tham gia dự án sẽ có các nhóm nòng cốt phối hợp thực hiện dự án.
Ban quản lý dự án thiết lập một network giữa Đại học Dược Hà nội, các trường tham gia dự án và Đại học Groningen trong triển khai/ giám sát các hoạt động của dự án. Nhóm nòng cốt của các trường tham gia triển khai thực hiện và báo cáo hoạt động theo kế hoạch hoạt động của dự án. Trường Đại học Dược Hà nội có trách nhiệm hướng dẫn/ tư vấn các quy định/ trình tự/ thủ tục/ định mức chi tiêu của dự án cho các trường tham gia dự án trong triển khai các cấu phần tại các trường thụ hưởng dự án này. Hàng năm các nhóm nòng cốt tham gia họp với Ban quản lý dự án ít nhất 2 năm / 1 lần. Các hoạt động giám sát của Ban quản lý dự án đối với các nhóm nòng cốt diễn ra bất kỳ hoặc 1 năm/ 1 lần. Trường Đại học Dược Hà nội  đại diện cho 6 trường thụ hưởng dự án trong đàm phán/ thương thuyết với phía Hà lan giải quyết các mâu thuẫn/ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Ban quản lý dự ỏn thường trực của trường Đại học Dược Hà Nội là đầu mối: (1) xây dựng kế hoạch tổng, kế hoạch chi tiết của từng hoạt động, đàm phán với trường Đại học Dược Hà Nội và thống nhất về kế hoạch chi tiết về nội dung cũng như tài chính của từng hoạt động; (2) Lập kế hoạch tài chính, ốp tiến độ giải ngân; (3) chịu trách nhiệm chuẩn bị các báo cáo hoạt động, báo cáo kỹ thuật đệ trỡnh cho cỏc cơ quan liên quan, đối tác Hà Lan và Nhà tài trợ về tiến độ của dự án; (4) Chịu trách nhiệm giải trỡnh và tiến hành cỏc hoạt động kiểm toán với công ty kiểm toán độc lập và đơn vị kiểm toán của đối tác Hà Lan; (5) hỗ trợ/ tư vấn cho các trường thành viên trong triển khai tiến độ các hoạt động;
III. ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN
1. Đánh giá mặt thuận lợi và khó khăn của dự án
1.1. Thuận lợi:
- Dự án đã hoàn thành đến thời điểm báo cáo: 95 % khối lượng các hoạt động của dự án. 
- Dự án được các trường thụ hưởng tham gia dự án, đối tác Hà Lan và nhà tài trợ đánh giá hiệu quả, đạt được mục tiêu đầu ra của dự án. Dự án đã tạo được sự đồng thuận và gắn kết giữa các trường Dược Việt Nam với Đại học Groningen thành một mạng lưới các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các chuyên gia về dược lâm sàng.
- Bước đầu thiết lập được mạng lưới các cơ sở đào tạo dược sĩ lâm sàng, phối hợp/ hỗ trợ chia sẻ nhau.
- Tăng cường được năng lực đội ngũ Giảng viên trong giảng dạy bao gồm cả kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy, lập kế hoạch, triển khai kế hoạch và viết báo cáo.
- Tạo được môi trường đồng thuận và hợp tác chia sẻ giữa các trường thành viên trong quá trình triển khai các hoạt động của Dự án.
- Dự án đã góp phần cung cấp cho các cơ sở đào tạo Y Dược và khối điều trị một hệ thống CSDL hỗ trợ công tác giảng dạy và trị liệu cho bệnh nhân. Một cách tiếp cận mới và cập nhật về dược lâm sàng, dược thực hành, kiểm định chất lượng dạy và học được giới thiệu và cập nhật cho đội ngũ giảng viên Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam từng bước nâng cao chất lượng đào tạo dược sĩ, dược sĩ lâm sàng
1.2. Khó khăn:
- Do vốn đối ứng của dự án là con người và cơ sở vật chất của các trường thành viên, nên các cán bộ tham gia dự án của 6 trường phần lớn là kiêm nhiệm không có phụ cấp, không có người chuyên trách, do vậy các cấu phần hoạt động của dự án được chia nhỏ và chia sẻ để nhiều người cùng tham gia và hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó gây khó khăn trong việc tạo mối liên kết và thống nhất giữa các hoạt động.
- Do định mức chi của các dự án NUFFIC quá thấp (được xây dựng dựa trên định mức chi 2008) dẫn đến Ban quản lý dự án gặp khó khăn khi thực hiện và cân đối tài chính, khi có sự điều chỉnh hoạt động không có ngân sách để bổ sung và triển khai các mảng hoạt động phát sinh.
- Một số hoạt động chính của dự án như C1 và C2 không được mô tả chi tiết từ đầu, đây là hoạt động rất lớn đòi hỏi nhiều công sức và thời gian trong biên soan/ phản biện và thẩm định. Do vậy đã tác động lớn đến tiến độ hoàn thành của dự án
- Dự án được phía Hà lan phê duyệt từ tháng 8 năm 2007, trong khi đó Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 6/2008 (chậm 1 năm), dẫn đến dự án được triển khai muộn gần 1 năm. Do vậy phần lớn tất cả các hoạt động chính của dự án được tập trung triển khai trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012.
- Đây là dự án lớn đầu tiên, trường Đại học Dược Hà Nội tiếp nhận, do hạn chế về thời gian và hiểu biết trong quản lý/ giám sát và điều hành dự án, nên không thể tránh khỏi những sai sót về mặt hành chính/ kỹ thuật.
2. Tài chính: kinh phí phía VN đã giải ngân được 95 % ngân sách (tính thời điểm báo cáo)
3. Đề xuất
- Theo thông báo của nhà tài trợ được biết, mảng hợp tác y tế không được đưa vào danh mục ưu tiên vận động ODA của chính phủ Việt Nam đối với chính phủ Hà Lan trong các năm tiếp theo; Đại diện các trường thành viên, Trường Đại học Dược Hà Nội trông đợi ở sự hỗ trợ/ ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, của Bộ Y Tế và các tổ chức quốc tế trong xây dựng và triển khai các dự án liên quan đên nâng cao năng lực đào tạo thực hành và hành nghề cho dược sĩ lâm sàng của Việt Nam
- Theo kết quả dự án được trong báo cáo, dự án mới cải thiện được 1 phần chính trong công tác đào tạo dược sĩ lâm sàng: đổi mới khung chương trình giáo dục và mô tả chi tiết định hướng dược lâm sàng; trong xây dựng kỹ năng, thái độ và các bộ công cụ đánh giá dạy và học của công tác kiểm định chất lượng; trong tăng cường môi trường và phương tiện dạy học cho 6 trường thành viên. Tuy nhiên một số nội dung được coi là cấp thiết trong cải thiện hoạt động đào tạo và hành nghề dược sĩ lâm sàng cũng như đảm bảo tính bền vững của dự án vẫn chưa được triển khai trong khuôn khổ dự án như: (1) ban hành/ chuẩn hóa hệ thống các văn bản pháp quy liên quan, hướng dẫn điều trị, xây dựng các phác đồ điều trị chuẩn, xây dựng các hội đồng quản lý kháng sinh…; (2) trong nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ dược sĩ bệnh viện hiện đang hành nghề; (3) trong xây dựng mối quan hệ tương hỗ giữa các đơn vị đào tạo và hội ngành nghề để kiểm soát chất lượng đào tạo/ hành nghề.
GIÁM ĐỐC DỰ ÁN NPT VNM 240
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI


14-01-2014

40 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL