GT3. Học thuật
Học thuật chủ đạo của Bộ môn là các môn học: Kỹ thuật hóa dược, Kỹ thuật chiết xuất dược liệu và Quá trình thiết bị trong công nghệ dược phẩm nhằm tạo ra nguyên liệu làm thuốc hóa dược, thuốc/các chế phẩm từ dược liệu...
Học thuật chủ đạo của Bộ môn là các môn học: Kỹ thuật hóa dược, Kỹ thuật chiết xuất dược liệu và Quá trình thiết bị trong công nghệ dược phẩm nhằm tạo ra nguyên liệu làm thuốc hóa dược và thuốc dược liệu, bao gồm các nội dung:
- Kỹ thuật phản ứng. Trong đó, các quá trình hóa học cơ bản và một số quá trình hóa học đặc biệt khác trong tổng hợp hóa dược được chú trọng để đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu. Kỹ thuật phản ứng giúp tạo ra các sản phẩm: chất mới, chất trung gian, dược chất, tá dược, chất để thiết lập chuẩn...
- Kỹ thuật chiết, tách, phân lập, tinh chế các hợp chất (nguồn gốc thiên nhiên, bán tổng hợp, tổng hợp toàn phần) hướng đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn dược dụng hoặc tiêu chuẩn cơ sở theo yêu cầu.
- Xây dựng quy trình công nghệ tạo nguyên liệu làm thuốc.
Với phương châm gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo hướng đến ứng dụng thực tế, các chủ đề nghiên cứu khoa học được tập trung vào 3 định hướng là:
- Tìm kiếm các hợp chất để làm thuốc.
- Xây dựng mới, cải tiến các quy trình tạo nguyên liệu làm thuốc (dược chất, tá dược, dược liệu); nâng cấp quy mô từ phòng thí nghiệm đến pilot và hướng đến chuyển giao công nghệ sản xuất.
- Tổng hợp một số tạp chuẩn dùng trong kiểm nghiệm dược.
Cụ thể như sau:
- Chiết xuất, bán tổng hợp tạo ra những dẫn chất mới từ nguồn nguyên liệu/dược liệu sẵn có trong nước, hoặc lai hóa các hoạt chất, chức năng hóa tá dược, hướng đến cải thiện tính chất lý-hóa và sinh dược học của chất ban đầu; phối hợp với các nhóm, cơ sở nghiên cứu về y/sinh học để đánh giá in vivo đối với một số chất tiềm năng.
- Tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ tổng hợp đối với một số hoạt chất như: thuốc chống ung thư tác dụng tại đích (afatinib, pazopanib, dacomitinib, nintedanib, gefitinib), thuốc hỗ trợ điều trị ung thư (mesna), thuốc kháng virus (rilpivirin, valaciclovir, molnupiravir, tenofovir), thuốc chống độc (physostigmin), hoạt chất bổ não (N-acetyltyrosin, alpha-glycerophosphorylcholin), bổ gan (S-acetylglutathion, phức N-acetylcystein), chống oxy hóa (curcumin trắng, acid lipoic), thuốc tăng cường miễn dịch (tiloron).
- Tổng hợp một số tạp chuẩn dùng trong kiểm nghiệm dược (diclofenac, sulpirid, paracetamol, metformin, cloramphenicol, mebendazol, fenofibrat, omeprazol...)
- Phát triển kỹ thuật chiết tách, kết tinh, đồng tinh thể ứng dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và chăm sóc sức khỏe.
- Phát triển công nghệ xanh/bền vững trong sản xuất hóa dược, dược phẩm, bao gồm công nghệ dòng chảy liên tục, kỹ thuật chiết tách, tạo muối với các dung môi xanh thân thiện với môi trường (nước, CO2 siêu tới hạn, ethanol, isopropanol và tinh dầu thiên nhiên).
- Nâng cấp quy mô đối với một số quy trình công nghệ có tiềm năng áp dụng ở điều kiện doanh nghiệp Việt Nam theo tiêu chuẩn GMP (tạo muối/tinh chế carbocistein lysin, cholin fenofibrat, berberin bisulfat, berberin glycyrrhizinat, ibuprofen lysin).
- Hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sản xuất một số nguyên liệu thuốc từ nguồn sẵn có trong nước (hormon T3, T4 từ L-tyrosin; quercetin từ rutin).
- Xúc tiến hồ sơ đăng ký lưu hành nguyên liệu làm thuốc (mafenid acetat), ứng dụng pha chế tại bệnh viện quốc gia Lê Hữu Trác để điều trị, nghiên cứu phát triển bào chế dạng cream và dạng xịt.
- Đào tạo các sinh viên, học viên về kỹ năng thực nghiệm khoa học, hướng dẫn viết tổng quan về một số vấn đề chuyên sâu trong hóa/dược, viết các bài báo khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế./.
CNHD - 29-11-2022