Xếp hạng các nhà khoa học qua mức độ trích dẫn - Sự bứt phá của khoa học Việt Nam

Hàng năm, danh sách các nhà nghiên cứu thuộc tốp 100.000 các nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới theo Cơ sở dữ liệu Scopus được cộng đồng khoa học rất quan tâm. Năm 2021, kết quả này tiếp tục được công bố bởi nhóm tác giả gồm John P. A. Ioannidis (Đại học Stanford, Mỹ), Jeroen Baas (Giám đốc dữ liệu, Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan) và Kevin Boyack (Giám đốc điều hành, Công ty SciTech Strategies, Mỹ).

Các tiêu chí dùng để đánh giá đẳng cấp trích dẫn khoa học của một nhà nghiên cứu gồm tổng số trích dẫn được chuẩn hóa, chỉ số H (H-index), chỉ số đồng tác giả (HM-index), chỉ số trích dẫn theo vị trí tác giả, chỉ số tự trích dẫn và không tự trích dẫn. Năm nay, nhóm tác giả trên công bố danh sách các nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học cao thuộc tốp 100.000 (hoặc tốp 2%) trên toàn thế giới xét theo thành tựu trọn đời, thành tựu năm gần nhất và thành tựu theo chuyên ngành. Trong đó, hai danh sách được quan tâm là danh sách tốp 100.000 các nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học xét theo thành tựu trọn đời và theo năm.

Cụ thể, trong năm 2021 Việt Nam có 22 nhà nghiên cứu được liệt kê trong tốp 100.000 các nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới tính trên thành tựu trọn đời, và 65 người tương ứng tính trên thành tựu năm gần nhất. Kết quả này là một sự đột phá rất đáng kể về sự nhận diện thông qua trích dẫn khoa học của các công trình nghiên cứu từ các nhà khoa học của Việt Nam, bởi lẽ năm 2019 Việt Nam không có nhà nghiên cứu nào được vào danh sách thành tựu trọn đời và chỉ có 10 người được vào danh sách thành tựu năm.

Thứ nhất, Đối với thành tựu trọn đời, Việt Nam có 22 nhà nghiên cứu nằm trong tốp 100.000 các nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới từ dữ liệu gốc, đến từ 13 tổ chức gồm 10 đại học: (1) Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, (2) Đại học Quốc gia Hà Nội, (3) Đại học Sư phạm Hà Nội, (4) Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, (5) Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, (6) Trường Đại học Dược Hà Nội, (7) Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, (8) Đại học Tôn Đức Thắng, và 2 đại học ngoài công lập là Đại học Duy Tân, Đại học Phenikaa; 3 viện nghiên cứu: Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện nghiên cứu AI – Vingroup (viện nghiên cứu ngoài công lập).

Picture1.jpg

Trường Đại học Dược Hà Nội là 1 trong 10 đại học ở Việt Nam có nhà khoa học GS. TS. Nguyễn Hải Nam có trích dẫn khoa học cao nằm trong nhóm tốp 100.000 các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới xét theo thành tựu trọn đời (tính từ năm 1996 đến 2021).

Thứ hai, Đối với thành tựu năm gần nhất, Việt Nam có 65 nhà nghiên cứu được liệt kê trong tốp 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới từ 29 tổ chức, trong đó có 2 viện nghiên cứu, 1 học viện, 1 bệnh viện và còn lại đến từ các trường đại học. Tổ chức có nhiều nhà nghiên cứu nhất trong danh sách này là trường Đại học Tôn Đức Thắng, có 9 người, tiếp theo là 2 trường đại học ngoài công lập Đại học Duy Tân (7 người) và Đại học Phenikaa (6 người).

Trong số 65 nhà khoa học Việt Nam nằm trong danh sách này, có 2 cựu sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội là GS. TS. Nguyễn Hải Nam (K45) và TS. Trần Tuấn Hiệp (K61). TS. Trần Tuấn Hiệp hiện đang là giảng viên của Đại học Phenikaa, đồng thời là dịch giả của nhiều cuốn sách khoa học như Hệ miễn dịch; Bộ não kể gì về bạn; Sapiens – Lịch sử loài người bằng tranh.

Những thành tựu trên cho thấy sự bứt phá của các đại học Việt Nam trong nghiên cứu khoa học và đặc biệt là trích dẫn khoa học. Việc này đã góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục và đào tạo của đất nước, cũng như việc tăng cường sự nhận diện của thương hiệu Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Về phương diện xếp hạng đại học quốc tế thì trích dẫn khoa học là một tiêu chí rất quan trọng, có khi mang tính quyết định để các đại học Việt Nam được các tổ chức xếp hạng đại học thế giới ghi nhận.

Tóm lại, tình hình phát triển nghiên cứu khoa học của Việt Nam là khả quan trong thời gian qua. Việc các công trình nghiên cứu của Việt Nam được trích dẫn cao là bước đầu của sự nhận diện quan trọng trên phạm vi toàn cầu. Thành tựu này chắc chắn là kết quả của chính sách phù hợp, tiếp cận thông lệ quốc tế trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam trong thời gian qua, trong đó có chính sách tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học của đất nước. Bước tiếp theo chắc chắn là sẽ không chỉ dừng ở số lượng trích dẫn mà là việc đưa ngày càng nhiều các công trình nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống để Việt Nam có thể sở hữu thêm nhiều công nghệ, phát triển thêm nhiều sản phẩm, sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào GDP của đất nước thông qua việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.

Phòng Quản lý Khoa học (Tham khảo từ bài viết của TS. Lê Văn Út, Trường Đại học Tôn Đức Thắng)


01-11-2021

51 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL