NÉT VĂN HÓA TRONG GIA ĐÌNH NGƯỜI DƯỢC SĨ TẠI HUP

Gia đình là tế bào của xã hội. Đó là nơi lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, hãy cùng những người thực hiện bài viết tìm hiểu thêm về nét văn hoá trong gia đình người dược sĩ tại Trường Đại học Dược Hà Nội.

          Một sớm mùa hạ tháng sáu, Chúng tôi có hẹn với chị Hà. Gặp chị ở bộ môn Hóa phân tích, trên chiếc bàn làm việc ngăn nắp, chúng tôi thấy 2 bó sen hồng thơm ngát. Thấy chúng tôi mỉm cười nhìn vào đóa sen hồng tươi, chị cười thật hiền nói rằng: “Sen Hồ Tây mùa hạ đẹp tuyệt, 1 bó mang về nhà mình, 1 bó mang sang thăm bố, cắm bên bàn đọc sách của ông. Sắp đến ngày Gia đình Việt Nam 28/6 mà!”. Phải rồi, tháng sáu với cái nắng cháy da khiến cho ai nấy đều muốn nhanh nhanh về nhà. Bởi ở nhà, có những người để yêu thương, có bữa cơm sum họp gia đình, có hương sen thơm ngát trong căn phòng rất đỗi quen thuộc. Gia đình là cả một khoảng trời tuổi thơ của mỗi người, là nơi để hoài niệm và quan trọng nhất là ở đây có những con người luôn đứng sau ủng hộ cho bạn, và chắp cánh để bạn có thể vươn cao và vươn xa hơn.

         Cũng giống với hầu hết những người phụ nữ khác, với chị Hà: Gia đình không chỉ là tổ ấm nhỏ nơi có người chồng và những đứa con ngoan. Mà gia đình còn là một mái ấm lớn, nơi có Bố Mẹ luôn tiếp cho chị sức mạnh và niềm tin để vững bước trong cuộc sống. Điều đặc biệt hơn nữa, Bố chị lại là người truyền cảm hứng cho chị trên con đường trở thành Dược sĩ, giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội. Ánh mắt chị Hà đầy tự hào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của chị từ khi còn thơ bé: “Từ nhỏ tôi đã thấy nếu mà trong nhà có một người làm Dược, như Bố tôi, thì cả nhà rất yên tâm vì có người chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình. Hơn nữa, những ngày hè được Bố đưa tới chơi ở khuôn viên Trường với những khu giảng đường cổ kính, với rặng cây cổ thụ kỳ bí, đã lưu lại trong tôi một ấn tượng đầy thu hút về ngôi trường này. Có lẽ hình ảnh đẹp đẽ của nhà giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Gia đình tôi có rất nhiều người làm giáo viên, giảng viên, bên Nội, bên Ngoại chắc phải tới 30 người trong nghề giáo. Ngày nhỏ, Tôi luôn thấy bố tôi say mê với công việc của mình, làm việc hết mình, đam mê và hạnh phúc. Cuộc sống hàng ngày của thời bao cấp đó thực sự vô cùng khó khăn, đến cơm có khi còn không đủ ăn. Nhưng ông vẫn hăng say tìm hướng hợp tác nghiên cứu với nước ngoài, xin về trường được nhiều máy móc hiện đại.Vì thế mà sau 5 năm học ở trường, với rất nhiều kỷ niệm, tình yêu và niềm tự hào với trường, tôi đã lựa chọn con đường tiếp tục đi tu nghiệp ở nước ngoài nâng cao trình độ để xứng đáng được trở về trường giảng dạy sau khi hoàn thành Tiến sỹ. Trở về trường, khi đó đất nước đã đổi thay, nền kinh tế đã mở, cơ hội để có những công việc khác có thu nhập thậm chí cao gấp 10-20 lần mức lương thử việc ở trường. Nhưng tôi cũng chẳng bị "lung lay" quá nhiều, vì dường như tôi đã có hình ảnh rất rõ ràng về một công việc mà mình yêu thích, dưới mái trường mà mình rất yêu thương và tự hào. Và tôi cũng tự nhủ "Những ngày khó khăn ăn cơm độn khoai, mà ba mẹ mình vẫn sống hạnh phúc, vẫn tâm huyết, yêu nghề. Thì thời nay đã quá sung sướng, chẳng có lý do gì tôi lại không sống vui và hạnh phúc được với nghề".

Ảnh: Cha và con gái: PGS.TS Phạm Gia Huệ - nguyên Trưởng BM Hoá phân tích - PGS.TS  Phạm Thị Thanh Hà – Phó trưởng Khoa Hoá phân tích & kiểm nghiệm thuốc

         Trò chuyện với chị Hà, Chúng tôi thấy được những điều thật đặc biệt của một gia đình có truyền thống sư phạm, và đặc biệt hơn nữa là một gia đình mà trong đó những người dược sĩ truyền cho nhau những năng lượng tích cực, để giữ gìn và đam mê những giá trị tốt đẹp ấy từ thế hệ này sang thế hệ tiếp sau.

          Chia tay chị Hà, Chúng tôi có hẹn với hai cặp vợ chồng anh Chi – chị Vượng và hai em Bảo – Phương. Lắng nghe câu chuyện “Nơi tình yêu bắt đầu” của mọi người, mới thấy được “Gia đình” không chỉ là gia đình nhỏ, nơi “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng”...mà khái niệm “Gia đình” của những người trong cuộc còn có cả Ngôi trường Đại học Dược Hà Nội đầy ký ức và hoài niệm. Nơi chứng kiến cho những cung bậc cảm xúc tiền gia đình đầu tiên của họ. Trò chuyện cùng chúng tôi, Phương xúc động chia sẻ câu chuyện “Nơi tình yêu bắt đầu” của mình: “Chúng em gặp nhau lần đầu tiên vào Tuần sinh hoạt công dân ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất, mới chập chững bước chân vào HUP. Tinh cờ chúng em được xếp cùng tổ, cùng lớp. Cả hai có cùng niềm đam mê với lĩnh vực dược học và nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết. Chúng em đã trải qua những buổi học, thực tập chung và cùng nhau vượt qua các mùa thi cuối kỳ đầy căng thẳng tại HUP. Thời gian trôi qua, tình bạn thân thiết dần phát triển thành một mối quan hệ đặc biệt. Sự cổ kính xinh đẹp của HUP đã giúp cho chúng em có những khoảnh khắc đáng nhớ tại trường. Em vẫn luôn nhớ về buổi chiều cùng nhau đi dạo quanh khuôn viên trường, trò chuyện và chia sẻ về những ước mơ và khát vọng trong tương lai của mình. Chúng em cảm thấy rất vui vì Trường Đại học Dược Hà Nội đã là chứng nhân cho sự gắn kết và những bước tiến của chúng em trong suốt 17 năm qua”.

Ảnh: Gia đình TS. Trần Ngọc Bảo – Gv Khoa Bào chế-CNDP và TS. Đồng Thị Xuân Phương – Gv Khoa Dược lý – Dược lâm sàng

          Đồng hành cùng câu chuyện của Phương – Bảo, Chúng tôi thấy sự đồng cảm của gia đình chị Vượng – anh Chi. Trường Đại học Dược Hà Nội luôn là ngôi nhà thứ hai của các cặp đôi cùng chung một nghề nghiệp. Chị Vượng chia sẻ với chúng tôi: “Trường Đại học Dược Hà Nội không chỉ cho chúng tôi một gia đình dược sĩ nhỏ, mà còn cho chúng tôi đồng quan điểm trong những kiến thức về chuyên môn, về chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Việc là dược sĩ sẽ giúp bố mẹ có quan điểm khoa học, cẩn thận hơn trong những vấn đề liên quan tới cuộc sống gia đình như ăn uống, chế độ sinh hoạt. Cả bố mẹ là dược sĩ sẽ chú ý đến chăm sóc sức khỏe các con, ý thức được tầm quan trọng của học hành, kiến thức và sát sao nhắc nhở, ủng hộ con trong quá trình học tập”.

          Ảnh: Gia đình PGS. TS. Lê Đình Chi - Phó Viện trưởng  Viện CNDPQG và TS. Tống Thị Thanh Vượng- Gv Khoa Hoá phân tích &KNT

          Trong cuộc sống mỗi gia đình “Bát đũa cũng có lúc xô” nhưng Người xưa có câu dạy rằng “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Sự cảm thông, chia sẻ của những người cùng ngành đã giúp cho những người trong cuộc như chị Vượng – anh Chi, em Bảo – Phương và nhiều gia đình cùng là dược sĩ ở ngôi trường của chúng tôi luôn có một niềm tin vững chắc để vượt qua mọi áp lực trong cuộc sống.

          Chúng tôi nhớ đến một câu nói rằng “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. Tình yêu đó đâu chỉ đơn thuần là tình yêu của đôi bạn khi gắn kết trong hôn nhân. Tình yêu đó được nhân lên thành tình yêu của những người cha, người mẹ dành cho con cái của mình. Tình yêu đó càng được nhân lên gấp bội khi những người trong gia đình có chung những ước mơ, hoài bão và sự cống hiến cho chung một nghề nghiệp mà mình đam mê. Tình yêu đó lại càng đặc biệt hơn nữa khi nó được giữ gìn, phát huy và truyền lại trong văn hoá của mỗi gia đình các thành viên Trường Đại học Dược Hà Nội yêu dấu.

           Có một nơi để về đó là nhà, có những người để yêu thương đó là gia đình, có được cả hai là hạnh phúc. Hạnh phúc nhất là sau một quãng thời gian dài cố gắng và nỗ lực, bạn trở về với mái hiên nhà, nơi có bố mẹ, vợ chồng, con cái và những người thân yêu. Cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên, cùng kể nhau nghe những câu chuyện trong quá khứ, những dự định trong tương lai. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã cận kề, chúc cho mỗi chúng ta luôn được bình an và hạnh phúc bên gia đình yêu thương!

Thực hiện

Hoài Phương - Minh Huế

Trung tâm Thông tin – Thư viện

 

 

 

 

 


28-06-2023

592 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL