MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA CÁC GIẢNG VIÊN TRẺ TẠI HUP

“ Như dòng sông êm đềm trôi theo tháng năm. Như cánh buồm chở đầy khát vọng. Đưa đàn em thơ đến chân trời mơ ước. Ôi tự hào nghề giáo tôi yêu...” Trích “Nghề giáo tôi yêu” của Nhạc sĩ Bùi Anh Tú phổ Thơ của nhà thơ Đinh Văn Nhã

          Thầy Cô luôn luôn là như vậy luôn như “một ngọn nến- ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác” - Mustafa Kernal Ataturk. Vậy nhưng, đằng sau những trang giáo án, những buổi lên lớp, những bài giảng cho người học thì Thầy Cô cũng giống như hết thảy chúng ta, ai cũng có một mái ấm, một gia đình để vun đắp cho tổ ấm ấy rộn ràng niềm hạnh phúc. Hãy cùng những người thực hiện bài viết – chúng ta cùng nhau tìm hiểu “Một ngày là giảng viên” của những Thầy cô giảng viên trẻ Trường Đại học Dược Hà Nội.

Ảnh: Bình minh bên vườn thực vật Trường Đại học Dược Hà Nội

            Một ngày mới của chúng ta, thông thường sẽ bắt đầu từ 6 giờ sáng với những công việc cá nhân, rồi như một guồng quay, chúng ta hối hả hoà vào dòng người đi học, đi làm. Nhưng với Cô giáo Vũ Thị Thảo - Bộ môn Lý luận chính trị - Khoa Khoa học cơ bản của Trường Đại học Dược Hà Nội lại thường xuyên bắt đầu một ngày mới từ rất sớm: Thảo chia sẻ:Buổi sáng mình thường dậy lúc 4h sáng để đọc sách. Mình cảm thấy việc đọc sách với mình cũng cần thiết như việc tập thể dục vậy. Tập thể dục giúp cơ thể mình khỏe mạnh, còn đọc sách giúp tinh thần mình tràn đầy suy nghĩ tích cực. Mình nghĩ một người khỏe khoắn phải là người khỏe cả về thể chất lẫn tâm hồn”.  

Ảnh: Cô giáo Vũ Thị Thảo thường duy trì thói quen đọc sách sáng sớm mỗi ngày

            Những cuốn sách mỗi sớm mai đã như một phương thuốc bổ dưỡng giúp cho Thảo có một ngày làm việc tràn đầy năng lượng từ sáng tới chiều. Gặp Thảo ở Giảng đường 17, sau khi kết thúc 2 tiết học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho các bạn sinh viên A4K76. Chúng tôi thấy ánh mắt cô giáo vẫn tràn đầy năng lượng với bài giảng. Cô giáo tươi cười chia sẻ thêm “Dù có mệt mỏi cỡ nào thì khi bước vào giảng đường, mọi cảm xúc mệt mỏi đều dừng sau cánh cửa. Mình sẽ bước chân vào một thế giới tràn ngập năng lượng xanh, ở đó không có những nỗi lo và áp lực, chỉ có những đôi mắt trong veo của sinh viên, những bài giảng say sưa và cô trò cùng nhau tương tác, gắn kết. Đó có lẽ là những giây phút mình thấy hạnh phúc nhất trong nghề. Mình hay trêu sinh viên:  mình là một chị ong, mỗi sinh viên là một bông hoa, và mình hấp thu phấn hoa cùng năng lượng tích cực từ mỗi bông hoa để làm ra mật ngọt cho đời. Có chị ong nào lại không hạnh phúc trong một vườn hoa đẹp đẽ và đáng yêu như thế”.

Ảnh: Cô giáo Vũ Thị Thảo trong tiết học với sinh viên

            Sự say mê với bài giảng, sự tận tâm với sinh viên của Thảo khiến chúng tôi nhớ đến một câu danh ngôn “Một người thầy tốt luôn dạy học từ trái tim mình chứ không phải là từ sách vở”. Những gì được gửi đi từ trái tim ắt sẽ nhận được từ trái tim. Chúng ta hiểu vì sao khi nhắc đến cô giáo Vũ Thị Thảo là phần lớn các em sinh viên của Trường Đại học Dược Hà Nội đều ấn tượng về cô giáo với nhiều tình cảm chân thành nhất. Không chỉ là một giảng viên, Thảo còn luôn quan tâm tới các em sinh viên với vai trò là Cố vấn học tập. Một ngày làm việc bận rộn là thế, nhưng Thảo vẫn thường xuyên kết nối với các bạn sinh viên để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, sức khoẻ và tình hình học tập của các em, giúp các em vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và tu dưỡng nhân cách của mình. Thảo chia sẻ: “Các em cũng là hình ảnh năm xưa của mình, trong trẻo, ngây thơ, bỡ ngỡ trước nhiều điều phức tạp của cuộc đời nhưng chỉ cần các em có lòng tin vào bản thân, và dùng đạo đức làm gốc rễ thì các em sẽ vươn mình lớn lên, đến một ngày không xa trở thành những cây đại thụ vững vàng trước mọi giông bão. Và khi đã thành những cây cao bóng mát, các em biết dùng bóng râm của mình để chở che, dìu dắt những thế hệ mầm non mới nhú bằng sự bao dung, nhẫn nại của mình.”

            Trong số những giảng viên trẻ của Trường đại học Dược Hà Nội, ngoài cô giáo Vũ Thị Thảo, sinh viên còn hay nhắc đến một người thầy rất tâm huyết với những hoạt động của nhà trường đó là thầy giáo Nguyễn Thành Hải – giảng viên cao cấp khoa Dược lý – Dược Lâm sàng.

Ảnh: Thầy giáo: PGS.TS Nguyễn Thành Hải – giảng viên cao cấp khoa DL – Dược Lâm sàng.

            Cũng giống như những giảng viên khác của Khoa Dược lý – Dược lâm sàng, một ngày làm việc của Thầy Hải ở Trường với rất nhiều các nhiệm vụ như: giảng dạy, thực hành tại bộ môn, nghiên cứu khoa học, sắp xếp lịch làm việc, trao đổi, hợp tác với các bệnh viện về lĩnh vực dược lâm sàng, tư vấn sử dụng thuốc …vv. Một chuỗi những khối lượng công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự chú tâm cùng với kiến thức chuyên môn cao, nhưng Thầy Hải luôn tận tâm, tận lực với công việc. Chúng tôi gặp thầy giáo tại giảng đường 22, trong một tiết học về Dược lâm sàng. Qua cánh cửa giảng đường, chúng tôi vẫn thấy được sự nhiệt huyết của Thầy với những câu hỏi thảo luận với sinh viên. Thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người tạo nên không khí tích cực, truyền cảm hứng cho tất cả những sinh viên. Bằng sự tận tâm và sự nhiệt huyết, thầy không chỉ là người hướng dẫn, mà còn là người hỗ trợ và động viên mỗi sinh viên trên hành trình học tập của họ. Với sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm phong phú, thầy Hải giúp sinh viên kết nối lý thuyết với thực tế, tạo nên những bài giảng sinh động và hướng sinh viên đến sự áp dụng thực tế. Thầy là người khuyến khích sự tư duy sáng tạo, giúp học trò phát triển không chỉ là những sinh viên, học viên, mà là những chuyên gia dược học tương lai. Không chỉ giỏi về chuyên môn, thầy còn là một người anh, người bạn luôn gần gũi sẻ chia với sinh viên để giúp các em xây dựng nên những giá trị đạo đức và tư duy chuyên nghiệp. Những lời khuyên chân thành và sự quan tâm của Thầy không chỉ làm cho học trò tự tin hơn về bản thân mình mà còn là nguồn động viên mạnh mẽ trên con đường chinh phục tri thức.

Ảnh: Thầy giáo: PGS.TS Nguyễn Thành Hải tham gia trao đổi chuyên môn quản lý sử dụng thuốc tại các Bệnh viện

            Khi được hỏi về “động lực nào khiến thầy giáo trẻ có thể sắp xếp khối lượng các công việc của một giảng viên, một chuyên gia tư vấn dược lâm sàng, một người hoạt động khoa học luôn tròn vai như vậy?”. Thầy giáo trẻ mỉm cười nói: “Mình được gắn bó với mái trường từ khi còn là sinh viên, được các thế hệ đi trước trao truyền kiến thức, đam mê và nhiệt huyết. Từ đó, mình có được tình yêu với nghề giáo và mong muốn gắn bó để truyền lại những nhiệt huyết, kiến thức cho các thế hệ tiếp theo. Sinh viên trường Dược rất thông minh, giỏi giang, có nhiều tố chất để có thể rèn luyện trở thành những dược sĩ có ích, cống hiến và đam mê với nghề dược. Mình rất  tự hào về ngôi trường, luôn tâm niệm một điều rằng mình là một phần của nhà trường, một đại gia đình. Vì vậy, luôn luôn cống hiến để mang thương hiệu của HUP - mái trường hàng trăm năm đào tạo Dược được bay xa và lan tỏa đến các thế hệ dược sĩ Việt Nam.”

             Hoàng hôn dần buông xuống, Ngôi trường của chúng tôi lại được nhuộm một màu cổ kính, vàng tươi, ấm áp. Những ánh đèn rực sáng bên các giảng đường vẫn còn đó. Các Thầy cô vẫn tràn đầy nhiệt huyết, các em sinh viên vẫn hăng say học tập với những tiết học cuối ngày.

Ảnh: Hoàng hôn trên sân trường HUP

Ảnh: Hup với  ánh đèn cuối ngày làm việc

             Tiếng chuông báo hết tiết học cuối ngày đã điểm. Thầy Hải, Cô Thảo cũng như tất cả chúng ta, ai nấy lại đều tất bật và hối hả hoà vào dòng người ngược xuôi trên phố phường để về với mái ấm gia đình, với bữa tối sum họp, quây quần bên những người yêu thương. Nhưng một điều họ khác chúng ta, bởi lẽ khi màn đêm buông xuống, khi tất cả chúng ta được chìm vào giấc ngủ ngon thì “bên đèn khuya miệt mài trang giáo án”, những người Thầy người Cô ấy vẫn đam mê với những kiến thức chuyên ngành, vẫn trăn trở làm sao có được những bài học ý nghĩa sâu sắc để ngày mai truyền đạt cho sinh viên, người học. Chúng tôi nhớ trong một lần trò chuyện khác với Thảo. Cô giáo say sưa chia sẻ với chúng tôi về nghề giáo “Mọi người thường nghĩ nghề giáo là một nghề nhàn hạ, có thời gian dành cho bản thân hay gia đình. Nhưng thật ra nghề giáo cũng như bao nhiêu nghề khác, đều cần sự nỗ lực và say mê, không có nghề nghiệp nào chỉ toàn thuận lợi cũng không có nghề nghiệp nào toàn khó khăn. Mình liên tưởng đến việc soạn giáo án của mình và các đồng nghiệp trong trường cũng giống như việc con trai tạo ra viên ngọc, con sâu thoát ra khỏi kén để hóa thành con bướm xinh đẹp. Con trai tạo được viên ngọc đã vô cùng đớn đau hay sâu bướm đã phải nỗ lực bao nhiêu để có thể sải cánh, người giáo viên cũng phải vất vả mới thai nghén ra được một bài giảng ưng ý. Bài giảng của mình vừa phải đảm bảo yếu tố chuyên môn, vừa phải gần gũi với những ví dụ thực tế. Và mỗi ngày qua đi có biết bao biến động, bài giảng của mình phải luôn luôn sống động bởi những hơi thở của cuộc sống. Mình cứ miệt mài đọc sách, soạn giáo án với tinh thần: làm sao để sinh viên không còn sợ hãi với các môn học xã hội mà đem lòng say mê, yêu thích và ứng dụng được vào bản thân để có được những điều tốt đẹp.”

            Vậy đó, Những người Thầy người Cô của chúng tôi là như thế: như “con trai tạo ra viên ngọc. Viên ngọc thật sáng để mang những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.” Say mê, tận tuỵ, tâm huyết và luôn luôn không ngừng cập nhật, vun bồi tri thức để truyền đạt cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu nhất, trau dồi cho các em những phẩm chất tốt đẹp nhất. Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đang gần kề, xin được gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo. Xin được gửi lời tri ân tới những người lái đò thầm lặng- luôn vững tay lái, chắc tay chèo để đưa lớp lớp những chuyến đò sang sông cập bến bờ tri thức mới.  

Thực hiện: Minh Huế - Hoài Phương

Trung tâm Thông tin – Thư viện


16-11-2023

916 2 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL