Trường Đại học Dược Hà Nội thuộc TOP đầu về chất lượng đào tạo và tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp

Nằm ở trung tâm của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội nổi tiếng là “chiếc nôi đào tạo” ra nhiều dược sĩ giữ vai trò lãnh đạo tại các Sở, Vụ, Cục, bệnh viện, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Trường Đại học Dược Hà Nội là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức chất lượng cao trong lĩnh vực dược, với triết lý giáo dục “Đào tạo, nghiên cứu có chất lượng gắn liền với thực tiễn, lấy sáng tạo và phục vụ cộng đồng làm định hướng hành động”.

Đại học Dược Hà Nội đào tạo gì? đào tạo có tốt hay không?

Đại học Dược Hà Nội với mục tiêu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (trong lĩnh vực dược) theo định hướng đại học nghiên cứu kết hợp thực hành nghề nghiệp trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về dược của cả nước. Đóng góp một phần quan trọng cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Trải qua hơn 100 năm xây dựng và phát triển, Đại học Dược Hà Nội  luôn khẳng định được uy tín cũng như chất lượng đào tạo của mình. Dưới mái trường này, các thế hệ sinh viên được học tập, phát huy năng lực, khẳng định bản thân và cống hiến những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Hiện nay Trường đại học Dược Hà Nội phát triển quy mô đào tạo với các ngành/chuyên ngành như sau:

Ngành dược học: Đào tạo Dược sỹ có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có năng lực chuyên môn để sản xuất, quản lý và cung ứng thuốc tốt, tư vấn về sử dụng thuốc hợp lý - an toàn - hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước và hướng tới hội nhập quốc tế; có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, sáng tạo, phát hiện và giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực dược; có khả năng sử dụng tiếng Anh trong các lĩnh vực chuyên môn; có năng lực nghiên cứu khoa học và khả năng tự học nâng cao trình độ chuyên môn. Người học có khả năng làm việc trong các doanh nghiệp dược, hệ thống y tế quốc gia và quốc tế.

Từ năm học 2022-2023 Nhà trường bắt đầu đào tạo Chương trình chất lượng cao với mục tiêu với mục tiêu đào tạo ra các dược sĩ có khả năng hội nhập, làm việc trong môi trường quốc tế, thành thạo tiếng Anh chuyên ngành và các kỹ năng cần thiết khác trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Ngành Hoá dược: sinh viên được đào tạo và cập nhật kiến thức khoa học cơ bản, hóa học và dược học cơ sở và có phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học. Có kiến thức chuyên môn cơ bản về sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn, kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu hóa dược, hóa mỹ phẩm, nghiên cứu phát triển thuốc mới.Nắm vững được các chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật liên quan đến công tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất của công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm.

Ngành Hoá học: sinh viên được đào tạo và cập nhật kiến thức nền tảng của ngành hoá học phục vụ nghiên cứu phát triển, kinh doanh hoá chất, hoá phẩm, thiết bị hoá học, thiết bị phân tích, kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng thuốc, phân tích, giám định hoá học...

Ngành Công nghệ sinh học: sinh viên được đào tạo và cập nhật kiến thức cơ bản trong công nghệ sinh học để nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học. Có kiến thức nền tảng của ngành CNSH để hình thành ý tưởng, xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá, quản lý các phương pháp, kĩ thuật, dự án nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CNSH.

 

Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội

Với mục tiêu sánh ngang tầm với các nước trong và ngoài khu vực, trường đang nỗ lực hết mình để cải thiện về cả chất lượng lẫn quy mô. Giữ vị trí hàng đầu về khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, Đại học Dược Hà Nội hiện là một trong số ít trường có chỉ số hợp tác cao với nhà tuyển dụng cơ sở giáo dục đào tạo dược trong cả nước.

Qua khảo sát từ giai đoạn 2017-2020 (sinh viên tốt nghiệp các năm 2017, 2018, 2019, 2020):

- Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của Trường Đại học Dược Hà Nội là rất cao: Năm 2020 đạt 96,5%; Năm 2019 đạt 96,1%; Năm 2018 đạt 99,6%; Năm 2017 đạt 99,76%. Với mức thu nhập trung bình  sau một năm tốt nghiệp với các ngành top đầu của Việt Nam được thực hiện hàng năm và cho kết quả rất khả quan: Năm 2020 đạt 9,89 triệu/tháng; Năm 2019 đạt 10,6 triệu/ tháng; Năm 2018 đạt 11,5 triệu/tháng; Năm 2017 đạt 11 triệu/tháng.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể thử sức ở các vị trí sau:

Ngành dược học:

Với những ưu thế về uy tín và chất lượng đào tạo, dược sĩ tốt nghiệp từ Trường Đại học Dược Hà Nội luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các Nhà tuyển dụng trong lĩnh vực dược. Các dược sĩ tốt nghiệp từ Trường có thể lựa chọn các cơ hội việc làm sau:

Tại các tập đoàn dược phẩm lớn đa quốc gia và trong nước: với các vị trí đa dạng như đại diện nhãn hàng, chuyên viên phát triển sản phẩm, chuyên viên đăng ký, giám đốc thương hiệu, phụ trách kinh doanh….

Tại các sở y tế, bệnh viện: với các vị trí như cán bộ quản lý hành nghề, quản lý đăng ký thuốc, dược sĩ bệnh viện (cung ứng, quản lý, tư vấn sử dụng thuốc)…

Tại các công ty dược phẩm, Nhà thuốc: Hiện nay rất nhiều công ty dược phẩm, đặc biệt các chuỗi nhà thuốc trong nước đang cần một số lượng lớn dược sĩ vào các vị trí quản lý, chuyên viên nghiên cứu, chuyên viên đăng ký, phát triển sản phẩm hay dược sĩ tư vấn hành nghề….

Quản lý, giám sát​: Những dược sĩ xuất sắc có thể được tuyển dụng ngay vào các vị trí quản lý, giám sát tại nhiều công ty hoặc cơ quan quản lý dược phẩm.

Nghiên cứu viên, trợ giảngĐây cũng là lựa chọn của nhiều dược sĩ muốn theo đuổi nghề nghiệp giảng dạy và nghiên cứu. Các dược sĩ có thể làm việc như nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu, tham gia trợ giảng tại các Trường Đại học, học tiếp lên trình độ thạc sĩ để trở thành giảng viên các trường đại tạo về dược hiện nay.

Ngành hoá dược:

Đảm nhiệm vị trí nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu, trung tâm hoặc phòng thí nghiệm thuộc các trường đại học có hoạt động nghiên cứu phát triển nguyên liệu hoá dược, hoá mỹ phẩm hay trong các doanh nghiệp có tổ chức nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh nguyên liệu hoá dược, hoá mỹ phẩm, dược phẩm. Ngoài ra có thể đảm nhiệm các vị trí trong cơ quan quản lý về hoá chất, nguyên liệu hoá dược, mỹ phẩm hoặc tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên môn hoá dược và hoá mỹ phẩm …

Ngành Hoá học:

Làm việc trong các viện và trung tâm nghiên cứu, trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm và các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực hoá học. Làm việc trong các cơ quan quản lý các cấp và các tổ chức quốc tế có yêu cầu sử dụng cử nhân hoá học. Ngoài ra, có thể đảm nhiệm các vị trí công tác tại các cơ sở kinh doanh, tư vấn về hoá chất, hoá phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc và thiết bị hoá học, phân tích…

Ngành Công nghệ sinh học:

Làm việc trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về sinh học, công nghệ sinh học  và y sinh học; các viện nghiên cứu hay trong các phòng xét nghiệm của các cơ sở y tế khám chữa bệnh và y tế dự phòng; điều hành các cơ sở sản xuất kinh doanh, tư vấn, dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học…

Cuộc cách mạng 4.0 ngày nay đang dần hình thành nhiều ngành nghề mới. Mỗi ngành nghề đều mang lại cho mỗi chúng ta những cơ hội và thách thức khác nhau. Hy vọng bài viết trên đây sẽ phần nào hỗ trợ được cho các bạn học sinh đang theo đuổi ước mơ trở thành Người Dược sĩ, cử nhân Hoá học, Hoá Dược, Công nghệ sinh học trong tương lai. Chúc các bạn thành công trên con đường mình đã lựa chọn.

Thực hiện: Trung tâm Thông tin - Thư viện


03-11-2022

2761 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL