Câu chuyện về những người truyền lửa, giữ lửa tình yêu, say mê với những bài giảng tại HUP

PGS.TS Đào Kim Chi – Người truyền lửa tình yêu với những bài giảng, nghiên cứu khoa học về thuốc chữa bệnh hiểm nghèo tại HUP

        Tháng mười một – Trời Hà Nội vào những ngày cuối thu trong xanh, gió nhẹ, nắng vàng ngọt nhưng lại phảng phất hơi sương se se lạnh, khiến người ta muốn ngồi gần nhau hơn, hàn huyên những câu chuyện tâm tình nhắn gửi. Tháng mười một – còn là khoảnh khắc thời gian ý nghĩa với những sự kiện đặc biệt của những người thầy/người cô, những người dạy học và những người đi học.​.​

        Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cuối thu này, nhóm cựu học trò hiện nay đều là giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội lại hẹn nhau về thăm cô giáo cũ – người đã một thời giảng dạy và thắp sáng trong các anh chị niềm đam mê trở thành những giảng viên tâm huyết với Nhà trường.​

        Theo chân nhóm anh chị học trò cũ, chúng tôi đến thăm PGS.TS Đào  Kim Chi: Cựu giảng viên, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Hoá Sinh Trường Đại học Dược Hà Nội, mới thấy được tình cô trò thắm thiết và chân thành đến thế. Họ gặp nhau, trên tay trò là những bông hoa rực rỡ nhất dành tặng người cô yêu quý. Những ánh mắt, những nụ cười, những vòng tay ấm áp. Những câu chuyện bắt đầu được gợi mở. Chúng tôi được nghe câu chuyện của Cô - Một nhà giáo đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Từ năm 1982 đến nay, đề tài nghiên cứu khoa học về thuốc Aslem ứng dụng trong điều trị ung thư và các bệnh suy giảm hệ miễn dịch do cô và nhóm tác giả nghiên cứu đã được chuyển giao công nghệ và sử dụng tại các Bệnh viện trong nước. Thành quả đó là minh chứng cho sự tâm huyết và đam mê nghiên cứu của Cô cũng như đồng nghiệp trong những năm tháng còn giảng dạy và làm việc tại Trường. Cô tâm sự với chúng tôi: Ngày cô học lớp 12, Cô giáo cũ có cho viết một bài luận với chủ đề “Ước mơ 20 năm sau của em” cô đã viết: “Tôi sẽ trở thành một người có ích cho xã hội trong việc cứu người và tìm kiếm thuốc chữa bệnh hiểm nghèo”. Hồi đó ước mơ chỉ là ước mơ! Ai biết trước được tương lai sẽ ra sao! Tốt nghiệp lớp 12, cô vẫn phân vân không định hướng được ước mơ sẽ chọn ngành nghề gì? Cô nghĩ rằng: bản thân gầy, yếu nên sẽ không thi vào ngành sư phạm. Ba mẹ đã lựa chọn Trường Đại học Dược Hà Nội thay cô. Ấy vậy mà như một cơ duyên hữu ý. Cô đã gắn bó với ngôi trường Đại học Dược Hà Nội suốt tuổi thanh xuân của mình. Từ đây, những bài học và sau này là những bài giảng về hoá sinh liên quan đến con người và là lĩnh vực tiềm năng, đa dạng trong nghiên cứu được cô đặc biệt yêu thích.

        Ước mơ trở thành người có ích cho xã hội trong việc cứu người và tìm kiếm thuốc chữa bệnh hiểm nghèo của cô đã trở thành hiện thực. Thời điểm đó, khi được hỏi về động lực nào đã thôi thúc niềm đam mê nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học vào công nghệ sản xuất thuốc cứu người, cô chỉ có một câu trả lời rất đỗi giản dị và chân thành: “Mỗi năm lại có thêm hàng ngàn người bị bệnh ung thư, cứ nghĩ đến mỗi bệnh nhân được điều trị bằng Aslem, sẽ có thêm hy vọng kéo dài cuộc sống, chúng tôi lại có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu”. Sự giản dị, chân thành, say mê và nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học ấy không biết từ bao giờ đã như một nguồn năng lượng truyền tải đến với các thế hệ học trò thông qua các bài giảng của cô. Trong không gian ấm cúng tại tư gia, Chúng tôi đã thấy được ánh mắt những người học trò ánh lên niềm tự hào về người cô giáo cũ.

        Chị Đào Thị Mai Anh – Giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học Trường Đại học Dược Hà Nội tâm sự rằng: Chị rất tự hào khi từng được là sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội, được tiếp thu phong cách giảng dạy, sự say mê nghiên cứu khoa học từ rất nhiều các thế hệ Thầy cô đi trước. Nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất đối với chị là: PGS.TS Đào Kim Chi. “Cô không chỉ là người Thầy mà còn như là người Mẹ và là người Bạn lớn vì không chỉ truyền dạy kiến thức chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, phong cách làm việc cẩn thận, chu đáo mà còn là người luôn động viên, khuyến khích sự sáng tạo, đột phá, dám dấn thân vào thử thách. Đồng thời cũng là người luôn lắng nghe tâm sự vui buồn, nhiều sở thích chung, nhiều chuyến đi chung, nhiều kỷ niệm chung”.

        Cũng giống như chị Mai Anh, nhóm cựu học trò K49 mà PGS.TS Đào Kim Chi hay gọi với cái tên thân mật “Nhóm bè lũ bốn tên”: Các anh chị Nguyễn Hoàng Anh, Đỗ Hồng Quảng, Lê Đình Chi, Phùng Thanh Hương hiện nay đều là những giảng viên giữ chức vụ quản lý tại các Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm của Nhà Trường tâm sự rằng: “Còn nhớ, nhóm bè lũ bốn tên K49 chúng mình làm khóa luận tốt nghiệp với cô Chi từ năm thứ 3 tới năm thứ 5. Hội nghị khoa học năm 1998, lần đầu tiên trong 1 kỳ Hội nghị Khoa học tuổi trẻ của HUP, cả team Hóa Sinh - học trò cô Chi lĩnh trọn cơ cấu giải thưởng: nhất, nhì, ba, khuyến khích của hội nghị. Từ lúc nào không hay, phong cách làm việc chỉn chu, nghiêm túc, khoa học và sự say mê trong nghiên cứu của Cô đã truyền cảm hứng cho nhóm chúng mình và nhờ đó chúng mình đã thừa hưởng được những giá trị tốt đẹp của người giảng viên HUP cho đến ngày hôm nay”.

Ảnh: PGS.TS Đào Kim Chi và học trò cũ nay đều là những giảng viên tâm huyết của Trường Đại học Dược Hà Nội

        Hiện nay, Khi ở độ tuổi nghỉ hưu sau hơn 40 năm công tác tại Trường, PGS.TS Đào Kim Chi vẫn đồng hành cùng các học trò cũ (nay là những giảng viên cơ hữu của Nhà trường) thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phát triển thuốc mới.

Ảnh tư liệu: PGS.TS Đào Kim Chi và TS Đào Thị Mai Anh tại phòng thí nghiệm Khoa Công nghệ sinh học

Điều gì đã nhóm lên ngọn lửa đam mê học tâp, nghiên cứu khoa học tại HUP qua các thế hệ? 

        Người ta hay ví von rằng: Người làm nghề giáo giống như người truyền lửa, người gieo hạt... Muốn thắp sáng trong trái tim người học ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy phải có lửa. Ngọn lửa ấy luôn rực cháy trong trái tim những thế hệ thầy/cô tại Trường Đại học Dược Hà Nội.

        PGS.TS Đào Kim Chi tâm tình với chúng tôi: “ Điều khiến tôi tâm đắc nhất ở HUP luôn là các em sinh viên – những người đã, đang và sẽ còn gắn bó mãi mãi trong suốt cuộc đời tôi. Các em đã thành đạt và toả đi muôn nơi tại Việt Nam và Quốc tế nhưng vẫn dành cho tôi những cảm xúc yêu thương ấm áp, đầy tình thầy trò. Thật hạnh phúc và tự hào biết bao khi tôi biết rằng các bạn ấy dù ở đâu, trong lĩnh vực nào cũng mong muốn được tiếp cận những kiến thức hiện đại của thời đại và nuôi dưỡng cho mình những đam mê bất tận trong học tập và NCKH. Không thể phủ nhận rằng chính các bạn ấy mới là những ngọn lửa mãnh liệt nhất về sự đam mê trong học tập và nghiên cứu khoa học để thúc đẩy sự ra đời của rất nhiều sản phẩm KH được đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế. Số lượng các công trình và thành tích hoạt động KH của các bạn ấy đã vượt xa các thế hệ trước cách đây 10 đến 15 năm! Họ thật sự đang trở thành 1 đội ngũ cán bộ quá giỏi trong HUP, là những GS, PGS, TS, Thạc sĩ có tên tuổi! Riêng đối với tôi, chính ngọn lửa đam mê của các bạn ấy đã truyền cho tôi sức mạnh để sống và hoạt động trong 40 năm tại HUP, là động lực tiếp sức cho tôi tiếp tục sống và tiếp tục làm việc trong cộng đồng”.

        Phải chăng? Sự gắn kết giữa Thầy cô và học trò, cùng nhau học tập, cùng nhau tương tác, sáng tạo, khám phá những kiến thức mới ấy đã nhóm lên trong tâm huyết của các thế hệ thầy cô ngọn lửa đam mê giảng dạy, truyền đạt những kiến thức chuyên môn và những đạo lý nhân sinh sâu sắc, để thế hệ này tiếp nối thế hệ kia giữ gìn và phát huy hơn nữa những giá trị tốt đẹp của “Người Thầy”.

        Chị Mai Anh tâm sự với chúng tôi: “Mình cảm thấy đã nhận được từ các thầy cô đi trước quá nhiều nên bản thân luôn nhắc nhở mình cần phải có trách nhiệm để trao lại cho các thế hệ đi sau. Làm sao để các em cũng có được những niềm hạnh phúc, niềm vui trong học tập như mình đã từng được nhận.” Điều chị tâm đắc nhất chính là những con người của Trường Đại học Dược Hà Nội. “Các thầy cô luôn là những tấm gương để mình noi theo, học hỏi, biết ơn và kính trọng. Các đồng nghiệp thân thiện, dễ mến. Các học trò thông minh, sáng tạo và đáng yêu. Sự háo hức, say mê của các em với môn học luôn là nguồn cảm hứng và động lực để bản thân phấn đấu mỗi ngày”.

Ảnh: TS Đào Thị Mai Anh cùng sinh viên thực hiện bài giảng tại Khoa công nghệ sinh học

        Đối với thế hệ tiếp nối ngọn lửa đam mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học từ các bậc tiền bối như chị Mai Anh thì “HUP là một gia đình lớn, nơi kiến thức, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm được truyền thụ và lan tỏa trong từng thành viên từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Nó như một dòng chảy không bao giờ cạn bởi những tâm huyết, tình yêu nghề giáo, lòng yêu thương học trò của những người thầy được tiếp thu và lan toả cho những thế hệ tiếp theo.

        Ngày nay, khoa học ngày càng phát triển, thế giới kiến thức vô cùng rộng lớn, đòi hỏi người giảng viên, đặc biệt là những giảng viên của Trường Đại học Dược Hà Nội phải luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, tự đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức để hoàn thiện mình hơn nữa. Ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp đã được nhóm lên, cần lắm những người giữ lửa và truyền lửa tình yêu, say mê học tập, nghiên cứu cho các thế hệ tương lai.

        Chia tay PGS.TS Đào Kim Chi và nhóm giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội trong một buổi chiều thu nắng vàng dịu nhẹ. Chúng tôi thấy phố phường tấp nập người xe rộn rã. Thỉnh thoảng, lại thấy đôi ba người mang theo những bó hoa rất rực rỡ. Chúng tôi thầm nghĩ “ à! Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 gần kề mà, có lẽ họ cũng giống như chúng tôi, cùng chung một đạo lý tôn sư trọng đạo. Chắc họ cũng đang quay về để dành tình cảm cho những người thầy, người cô giáo cũ năm xưa của mình.” Chúng tôi nhớ đến một câu thơ vô cùng cảm động của Giáo sư - Viện sĩ, TSKH, Nhà giáo Ưu tú Đinh Văn Nhã.

“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay

Ta vẫn gọi đó là nghề cao quý nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà cho đời những đoá hoa thơm!”

         Xin được gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ Quốc. Xin được chúc cho những nhà giáo - những "người gieo hạt" luôn có những mùa màng kiến thức bội thu.

Bài viết: Hoài Phương – Minh Huế

Trung tâm Thông tin – Thư viện

​Ảnh: Nhân vật cung cấp

 


17-11-2022

922 3 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL