Hội thảo “Nâng cao năng lực dược sĩ cộng đồng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người cao tuổi thông qua thiết lập mô hình hợp tác giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng”.

Trong khuôn khổ tài khóa 2016 – 2017 thuộc chương trình hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới với Việt Nam, Trường Đại học Dược Hà Nội đã Tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực dược sĩ cộng đồng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người cao tuổi thông qua thiết lập mô hình hợp tác  giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng” trong hai ngày 13 và 14 tháng 11 năm 2017 tại khuôn viên Trường.

Tham dự Hội thảo có Giáo sư Van Hees Thierry đến từ Trường Đại học Liege Vương quốc Bỉ; Có TS.Lại Đức Trường, tư vấn kỹ thuật, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Các đại biểu đến từ một số trường đại học Y Dược trong toàn quốc, như Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược Huế, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng; Các đại biểu đến từ các Hiệp hội, các đơn vị có sử dụng dược sĩ cộng đồng và bác sĩ gia đinh.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Trường ĐH Dược Hà Nội cho biết, già hóa dân số đang có chiều hướng diễn ra rất nhanh ở khắp các quốc gia trên thế giới với các mức độ khác nhau, nhưng nhanh nhất vẫn là ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
"Có thể nói già hóa dân số là một trong những thành tựu của nhân loại, chứng minh sự cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và sự phát triển kinh tế xã hội, mang lại những cơ hội lớn lao cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.Tuy nhiên, già hóa dân số cũng đặt ra nhiều thách thức và sự ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển và ổn định của mỗi nước"- GS. TS. Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Tại Việt Nam, theo thông tin của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, tính đến tháng 7/2017, có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030 tỷ trọng người cao tuổi chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam chỉ mất 15 năm.
Theo các chuyên gia, già hóa dân số vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức của Việt Nam, bên cạnh việc đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tất cả các vấn đề từ giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội, y tế, kinh tế sẽ có cơ hội phát triển… thì ngành y tế cũng phải đối diện với các loại mô hình bệnh tật thường xuyên xuất hiện ở người già tiêu tốn khoản chi phí cao tạo gánh nặng cho Quỹ Bảo hiểm y tế cũng như các gia đình.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Bình : Chăm sóc dược là một lĩnh vực thực hành lấy bệnh nhân làm trung tâm trong đó chuyên gia y tế nhận trách nhiệm về các nhu cầu liên quan đến thuốc của bệnh nhân và luôn đảm bảo hoàn thành các trách nhiệm đó. Chăm sóc Dược bao gồm 2 nội dung chính: (1) Xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong điều trị ; (2) Lựa chọn thuốc có chỉ số hiệu quả/an toàn và hiệu quả kinh tế cao nhất.
Kết luận tại phiên khai mạc, GS. TS. Nguyễn Thanh Bình cũng khẳng định “Việc từng bước thắt chặt mối quan hệ và tăng cường hiệu quả phối kết hợp giữa thầy thuốc, dược sĩ, nhân viên y tế trong chăm sóc và tăng cường sức khỏe người cao tuổi ngay tại y tế tuyến cơ sở cũng như việc tăng cường năng lực, kiến thức, kỹ năng và thái độ, đặc biệt là kiến thức về thuốc, điều trị và kỹ năng giao tiếp cho khối dược sĩ cộng đồng là một trong nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn tới nhằm góp phần đảm bảo chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn”-
Hội thảo nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến từ các đại biểu quốc tế và các đơn vị liên quan trong đề xuất cơ chế phối kết hợp giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng trong tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngay từ y tế tuyến cơ sở.
gr.JPG


12-12-2017

89 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL